Yếu kém trong quản lý đất đai gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước
Những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay dẫn đến tình trạng đất đai sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước…
Nhiều hạn chế trong quản lý và sử dụng đất đai
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ngày 5/6/2018, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu rõ tình trạng vi phạm quản lý đất trong thời gian qua như: chậm đưa đất vào sản xuất, sử dụng đất sai mục đích… dẫn đến đất bị lấn chiếm, thất thoát, lãng phí.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch, quản lý đất đai thời gian qua còn yếu kém như hạn chế trong việc quản lý theo quy hoạch; Quản lý đất công chưa sử dụng hoặc đất giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các phường, xã và các doanh nghiệp nhà nước.
Một số tỉnh, thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đất đai chậm hơn thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành; Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác nguồn lực đất đai ở các địa phương thực hiện còn hạn chế, hầu hết là vẫn giao, cho thuê trực tiếp cho các nhà đầu tư.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay, tình trạng giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, dẫn đến nhiều dự án không được triển khai thực hiện, gây lãng phí đất đai.
Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tình trạng xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích trong các dự án đầu tư phát triển đô thị chưa sát với giá thị trường làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong các dự án nhà ở, dịch vụ, các dự án đầu tư bằng hình thức BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần rà soát các dự án đã giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục tiêu dự án theo đúng quy hoạch; Thu hồi những dự án không có khả năng thực hiện; Đấu thầu công khai, đảm bảo cạnh tranh trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại các dự án phát triển đô thị nhà ở, dịch vụ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai
Phát biểu kết thúc phần chất vấn của tư lệnh ngành Tài nguyên – Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước và được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Trước những bất cập nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế.
Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai; Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; Rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT có liên quan đến đất đai, việc sử dụng đất công lãng phí để chấn chỉnh.
Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, trái phép sử dụng sai mục đích, giao đất không đúng thẩm quyền; Kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; Nghiên cứu đổi mới các phương pháp định giá đất phù hợp với thực tiễn…