Yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại


Tại Việt Nam, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều cải cách, chất lượng dần được nâng cao, nhưng vấn đề rủi ro thanh khoản chưa được quan tâm đúng mức; đã có nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong thanh khoản, gây ra tác động xấu đến thị trường tiện tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng, từ đó khuyến nghị giải pháp giúp các ngân hàng Việt Nam giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cơ sở lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm về rủi ro

Lý thuyết về rủi ro thanh khoản

Duttweiler (2010) cho rằng, rủi ro thanh khoản (RRTK) là rủi ro khi ngân hàng thương mại (NHTM)  không có khả năng thanh toán tại một thời điểm nào đó, hoặc phải huy động các nguồn vốn với chi phí cao để đáp ứng yêu cầu thanh toán, hoặc do các nguyên nhân chủ quan khác làm mất khả năng thanh toán, từ đó kéo theo những hậu quả không mong muốn.

Ủy ban Basel định nghĩa: “RRTK là rủi ro mà một định chế tài chính không đủ khả năng tìm kiếm đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn mà không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh hàng ngày”. Theo Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01/8/2017 của Ngân hàng Nhà nước, RRTK là khi ngân hàng không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, hoặc có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao để thực hiện nghĩa vụ đó.

Các nghiên cứu thực nghiệm

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về RRTK tại các nền kinh tế khác nhau. Lược khảo kết quả của một số nghiên cứu có liên quan như: Claeys và Vander Vennet (2008), Bonfim và Kim (2011), Trương Quang Thông (2013) Vodová (2013), Moussa (2015), Đặng Văn Dân (2015), Lê Thanh Tâm và Nguyễn Anh Tú (2017), Doris  Madhi  (2017), Osama Omar Jaara và cộng sự (2017), Trần Thị Thanh Nga (2017)  Nguyễn Thị Tuyết Nga (2019), Phạm Quốc Việt và Nguyễn Văn Minh (2019), Eissa A. AlHomaidi và cộng sự (2019) có thể tổng kết như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu nghiên cứu, có thể thấy, các biến phụ thuộc thể hiện tính thanh khoản thường được sử dụng trong các nghiên cứu là “tỷ lệ tài sản thanh khoản trong tổng tài sản”, “tỷ lệ tài sản thanh khoản/tiền gửi và các khoản tài trợ ngắn hạn”, “tỷ lệ nợ/tổng tài sản” và “tỷ lệ nợ/tiền gửi và các khoản tài trợ ngắn hạn”. Đồng thời, các biến độc lập đặc thù của ngân hàng trong các mô hình nghiên cứu trước thường được đề cập đến là hệ số an toàn vốn, quy mô ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu, hệ số NIM, tăng trưởng dư nợ cho vay, lợi nhuận của ngân hàng, “tỷ lệ vốn chủ sở hữu”, “tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng huy động”. Các biến vĩ mô gồm tỷ lệ lạm phát, GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất thị trường liên ngân hàng… Nhìn chung, các nghiên cứu đã đo lường và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài như: Quy mô, nguồn vốn, tỷ lệ cho vay, tiền gửi, rủi ro, hiệu quả hoạt động, danh mục đầu tư, tốc độ tăng trưởng, lạm phát...

Thứ hai, về phương pháp nghiên cứu, các nghiên cứu cho thấy, sự khách quan và độ tin cậy cao thông qua các dữ liệu được lấy từ các nguồn tin cậy: Worldbank, IMF, FDIC Call Reports data, Bankscope… và các phương pháp ước lượng phù hợp với nghiên cứu về dữ liệu bảng như: OLS, Pooled OLS, FEM, REM, GMM để nghiên cứu tác động các yếu tố đến RRTK của các NHTM và các vấn đề liên quan.

Thứ ba, hầu hết các nghiên cứu dựa trên kết quả nghiên cứu thực nghiệm của các phương pháp hồi quy kinh tế lượng, có đưa ra được các kết luận và hàm ý chính sách mang tính ứng dụng cao đối với các mẫu nghiên cứu.

Tuy nhiên, các nghiên cứu còn tồn tại khoảng trống sau:

Một là, các nghiên cứu chỉ nghiên cứu ở giai đoạn 2018 trở về trước. Do vậy, nghiên cứu này, thực hiện nghiên cứu giai đoạn từ năm 2012 đến 2019. Đặc biệt là khi có Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ban hành và thực thi. Đây là bước cần thiết để các ngân hàng tiến tới triển khai Basel II.

Nghiên cứu này, nhằm góp phần xem xét lại các tác động của các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng, từ đó nhìn nhận rõ ràng và bao quát hơn mức độ tác động của các yếu tố này đến tính thanh khoản của các ngân hàng TMCP niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, khảo lược các đề tài nghiên cứu trước đây, tác giả nhận thấy, yếu tố sở hữu nước ngoài ít được nghiên cứu. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, trong tương lai quy định về sở hữu nước ngoài lĩnh vực ngân hàng sẽ có sự thay đổi. Vì vậy, tác giả nghiên cứu thêm yếu tố sở hữu khách hàng để đánh giá và đưa ra bằng chứng thực nghiệm để có những nhận định và kiến nghị đối với mức độ ảnh hưởng của nó đối với RRTK của các ngân hàng TMCP niêm yết trên TTCK hiện nay.

Thứ ba, các nghiên cứu được thực hiện ở những nền kinh tế khác nhau, những thời điểm khác nhau, ở hoàn cảnh kinh tế khác nhau nên cho ra kết quả sẽ khác nhau.

Đo lường rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại

RRTK có thể đo lường bằng hai phương cách: Khe hở tài trợ và các hệ số thanh khoản. Theo Vodová (2013), khe hở thanh khoản là chênh lệch giữa tài sản và nguồn vốn đối với cả thời điểm hiện tại và tương lai, nghĩa là tình trạng thiếu hụt nguồn vốn để đáp ứng cho việc hoàn trả các cam kết về tiền đến hạn thanh toán. Còn các hệ số thanh khoản là các hệ số khác nhau được tính toán từ bảng cân đối kế toán ngân hàng thường được sử dụng để dự đoán xu hướng diễn biến của thanh khoản. Dựa vào quy định trong Basel 2010 và các nghiên cứu trước, tác giả chọn việc đánh giá RRTK là tỷ lệ thanh khoản tại các NHTM được đo lường bởi tài sản có tính thanh khoản chia cho tổng tài sản làm thước đo RRTK tại ngân hàng. Đây là cơ sở lý thuyết để tác giả sử dụng như là biến phụ thuộc.

RRTK=(Tài sản có tính thanh khoản/tổng tài sản)

Phương pháp nghiên cứu, mô hình nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng, dữ liệu nghiên cứu dạng bảng (kết hợp của dữ liệu chéo và dữ liệu thời gian). Theo Wooldridge (1997) và Khánh (2011), phương pháp hồi quy thông dụng với dữ liệu dạng bảng là mô hình hồi quy Pool- OLS, mô hình hồi quy tác động cố định (FEM) và mô hình hồi quy tác động ngẫu nhiên (REM). Tiến hành kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình phù hợp và mô hình REM được chọn, sau đó kiểm tra đa cộng tuyến, giá trị VIF các biến đều nhỏ hon 10 nên số liệu được chấp nhận.

Dùng kiểm định white kiểm tra hiện tượng phương sai thay đổi, có Prob>chibar2=0.000<5% nên có hiện tượng các phương sai thay đổi. Dùng kiểm định Wooldridge kiểm tra hiện tượng tương quan chuỗi, cho giá trị Prob>F= 0,8903 >5%, kết luận chấp nhận giả thiết Ho, có nghĩa là không có hiện tượng tự tương quan. Dùng mô hình FGLS để khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi có mô hình hồi quy REM cuối cùng.

Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu này chọn mô hình REM. Để xác định các yếu tố tác động đến thanh khoản tại các NHTMCP niêm yết trên TTCK, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tổng thể có dạng như sau:

LIQi,t= β01 (SIZE)i,t+ β2 (CAR)i,t3(ROE)i,t5 (SER)i,t

+ β6 (LOAN)i,t+ β7 (ME)i,t+ β8 (FO)i,t+ β9 (INF)i,t10 (GDP)i,t+ εi,t

Trong đó: i = 1 đến 20; t = 2012 – 2019; ε_(i,t): Sai số ngẫu nhiên

Trong đó: Biến phụ thuộc LIQi,t: Rủi ro thanh khoản ngân hàng i năm t (tài sản có tính thanh khoản/tổng tài sản).

Các biến độc lập: SIZEi,t: Quy mô ngân hàng i tại thời điểm t (logarit của tổng dư nợ);

CARi,t: Tỷ lệ vốn ngân hàng i tại thời điểm t (vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn);

ROEi,t: Khả năng sinh lợi ngân hàng i tại thời điểm t (lợi nhuận sau thuế/tổng vốn chủ sở hữu);

SERi,t: Tỷ lệ chứng khoán thanh khoản ngân hàng i tại thời điểm t (chứng khoán do cổ phiếu phát hành/tổng tài sản;

LOANi,t: Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản ngân hàng i tại thời điểm t (tổng dư nợ cho vay/tổng tài sản);

MEi,t: Hiệu quả quản lý chi phí hoạt động ngân hàng I tại thời điểm t (tổng chi phí hoạt động/tổng tài sản);

FOi,t: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài ngân hàng i tại thời điểm t (tổng số cổ phần cổ đông nước ngoài/tổng số cổ phần đang lưu hành);

INFt: Tỷ lệ lạm phát năm t;

GDPt: Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm t.

Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của 20 ngân hàng tại các trang Web của các ngân hàng TMCP tại Việt Nam từ 2012-2019, bao gồm 160 quan sát.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả hồi quy

Phân tích hồi quy OLS cho thấy, R2  hiệu chỉnh là 68,59%, nghĩa là các biến độc lập này giải thích được 68,59% biến thiên của biến phụ thuộc.

Phân tích hồi quy FEM cho thấy, R2  hiệu chỉnh là 69,02%, như vậy mức độ tin cậy của mô hình là chấp nhận được. Prob>F = 0.0000<5% nên bác bỏ giả thuyết Ho mô hình OLS bị loại và chấp nhận mô hình hồi quy FEM.

Phân tích hồi quy REM cho thấy, mức độ tin cậy của mô hình đạt 70,37% và  ta có Prob>ch2=0.0000<5%, nên chọn mô hình REM, bác bỏ Ho, mô hình OLS bị loại.

Giữa FEM và REM, cần lựa chọn mô hình phù hợp. Tiến hành kiểm định Hausman có Prob>chi2=0,1020>5% nên mô hình REM được lựa chọn.

Yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại - Ảnh 1

Tiến hành kiểm định đa cộng tuyến cho thấy tất các giá trị của VIF đều nhỏ hơn 10 nên không có hiện tượng đa cộng tuyến. Kiểm tra hiện tượng phương sai của sai số thay đổi có: Prob>chi2=0.0000(<5%) nên kết luận rằng có hiện tượng phương sai sai số thay đổi. Kiểm tra hiện tượng tự tương quan có kết quả: Prob>F=0.1187>5%, nên không có hiện tượng tự tương quan.

Dùng mô hình FGLS khắc phục mô hình REM có hiện tượng phương sai sai số thay đổi, có kết quả như Bảng 1.

Kết quả mô hình REM, các biến FO, GDP và INF không có ý nghĩa thống kê vì giá trị p>5% cụ thế lần lượt la 72,6%, 58,25% và 97,5%

Phương trình được viết lại như sau:

LIQi,t= 0,5180602 -0,0345526 SIZEi,t-0,4715412 CARi,t-0,5056714 ROEi,t -3,255627 SER+0,199224 LOANi,t- 0,0006806MEi,t +€

Thảo luận

Biến SIZE - Quy mô ngân hàng. Yếu tố này được đưa vào để tìm hiểu sự ảnh hưởng của quy mô tới khả năng thanh khoản của các ngân hàng, được đo lường bằng Logarit tự nhiên cơ số e của tổng tài sản có của ngân hàng. Yếu tố “Quy mô ngân hàng” có ý nghĩa thống kê trong mô hình và mức độ tác động ngược chiều đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng với mức tương quan -0.0345526. Về mặt lý thuyết, một ngân hàng có tổng tài sản lớn thường thể hiện khả năng huy động vốn và năng lực cho vay cao, vì vậy tính thanh khoản tăng lên.

Trong nghiên cứu của Fredrick Ogilo và Leonard Oscar Mugenyah (2015) cũng chứng minh rằng, quy mô ngân hàng có tác động cung chiều với thanh khoản. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những ngân hàng có quy mô càng lớn thì khả năng thanh khoản càng cao. Ở Việt Nam, các ngân hàng có quy tổng tài sản lớn thường là các ngân hàng có vốn nhà nước chiếm đa số. Các ngân hàng này nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước trong việc tiếp cận các nguồn vốn lớn với giá rẻ, điều này cho thấy, quy mô vốn của các ngân hàng cao cũng đồng nghĩa với khả năng thanh khoản được cải thiện.

Biến CAR - Tỷ lệ an toàn vốn. Nghiên  cứu của Tabari, Mohammad và Masomeh  (2013), Ali (2015) đã đưa ra cách xác định tỷ số này bằng cách lấy vốn chủ sở  hữu chia cho tổng tài sản. Tỷ số này thấp chứng tỏ ngân hàng sử dụng đòn bẩy tài chính cao, điều này chứa đựng rất nhiều rủi ro, có thể làm cho lợi nhuận của ngân hàng giảm khi chi phí vốn vay cao. Tỷ lệ an toàn vốn càng cao thì rủi ro thanh khoản càng thấp (ngược chiều). Yếu tố “Tỷ lệ an toàn vốn” có ý nghĩa thống kê trong mô hình và mức độ tác động cùng chiều đến thanh khoản của ngân hàng với hệ số là 0,4715412. Cụ thể, nếu ngân hàng duy trì ổn định nguồn vốn chủ sở hữu thì khả năng thanh khoản có thể được đảm bảo, sự suy giảm của nguồn vốn chủ sở hữu dù ít cũng có thể khiến ngân hàng thiếu thanh khoản và có thể dẫn đến sự đổ vỡ. Các ngân hàng lớn có hệ số CAR thấp hơn, các ngân hàng nhỏ có hệ số CAR cao hơn, có một số trường hợp cá biệt có giá trị CAR quá cao như: NCB và EIB có hệ số CAR gần 20%; Trong khi đó, các ngân hàng lớn như: BIDV, CTG có hệ số CAR chỉ quanh mức yêu cầu 9%.

Biến ROE - Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Có những nghiên cứu tìm ra được tác động cùng chiều giữa tỷ lệ lợi nhuận và khả năng thanh khoản của các ngân hàng, cụ thể là các nghiên cứu của: Bonfim và Kim (2011), Bunda và Desquilbet (2008), Bryant(1980), Diamond và Dybvig (1983). Có nghĩa là, ROE càng lớn thì khả năng thanh khoản càng cao và rủi ro thanh khoản càng nhỏ.

Kết quả hồi quy cho thấy, tỷ lệ lợi nhuận ROE có tương quan ngược chiều với rủi ro thanh khoản khi có hệ số tương quan -0,5056714 ở mức ý nghĩa 5%. Nếu ROE tăng 1 đơn vị thì rủi ro thanh khoản giảm đi -0,5056714  đơn vị trong điều kiện các yếu tố khác không đổi. Điều này trái ngược với các nghiên cứu của Hackethal et al. (2010) và Vovada (2013). Thực tế tại Việt Nam, giai đoạn hậu khủng hoảng, nền kinh tế đối mặt với nhiều biến động, do đó những ngân hàng có tỷ lệ lợi nhuận cao vẫn chủ động duy trì thanh khoản cao, đây cũng là nhóm ngân hàng có chất lượng quản lý tín dụng tốt.

Biến số CRER - Tỷ lệ chứng khoán thanh khoản. Tỷ lệ chứng khoán thanh khoản có tác động ngược chiều đến RRTK. Khi tỷ lệ chứng khoán thanh khoản tăng 1 đơn vị, thì RRTK giảm tương ứng là -3,255627 đơn vị trong điều kiện các yếu tố không đổi. Do đó, tỷ lệ chứng khoán thanh khoản là yếu tố tác động mạnh và quan trọng hiện nay trong quản lý RRTK tại các ngân hàng niêm yết trên TTCK. Khả năng khách hàng không trả được nợ, ngân hàng sẽ gia tăng các khoản nợ khó đòi, gia tăng nợ xấu sẽ tác động tiêu cực đến tình hình thanh khoản, vì ngân hàng không kịp thu hồi tiền về để thanh toán cho các khoản tiền gửi đến hạn hoặc các khoản tiền gửi bị rút đột ngột và ồ ạt. Từ phân tích trên cho thấy, tỷ lệ chứng khoán thanh khoản có tác động ngược chiều cho thấy có ý nghĩa thống kê.

Biến LOAN - Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản. Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản và RRTK ngân hàng có mối quan hệ cùng chiều. Mức độ tương quan 0.7563513 với hệ số bê ta 0.3736822. Khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng sẽ gia tăng các khoản nợ khó đòi, gia tăng nợ xấu sẽ tác động tiêu cực đến tình hình thanh khoản, vì ngân hàng không kịp thu hồi tiền về để thanh toán cho các khoản tiền gửi đến hạn hoặc các khoản tiền gửi bị rút đột ngột và ồ ạt. Biến này tác động cùng chiều cho thấy có ý nghĩa thống kê nghĩa là khi ngân hàng chú trọng việc đảm bảo trích lập dự phòng theo quy định, nếu xảy ra rủi ro tín dụng ngân hàng nhờ vào phần trích lập dự để xử lý. Do đó, ngân hàng yên tâm xử lý rủi ro tín dụng, giảm nhẹ gánh nặng cho việc quản trị RRTK. Kết quả này trùng khớp với nghiên cứu của Nguyễn Quang Thông (2013).

Biến ME - Hiệu quả quản lý chi phí hoạt động. Quản lý chi phí hoạt động tốt là điều kiện để ngân hàng tăng lợi nhuận, có khả năng tăng dòng tiền trong hoạt động kinh doanh. Hiệu quả quản lý chi phí hoạt động có tác động ngược chiều đến khả năng thanh khoản, mức độ tương quan -.0008816  với hệ số bêta -0.1289389. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Moussa (2015).

Biến FO, Biến GDP và biến INF với p>(t) lần lượt là 0,892; 0,449 và 0,566 (lớn hơn 5%) nên không có ý nghĩa thống kê, do đó đã đượ loại khỏi mô hình.

Kết luận

 Đối với biến tỷ lệ vốn chủ sở hữu, quy mô ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn

- Những biến động lớn trong ngành ngân hàng giai đoạn 2008–2014 kéo dài đến năm 2017 qua việc sáp nhập giữa các ngân hàng như: Tín Nghĩa, Đệ Nhất sát nhập vào NHTMCP Sài Gòn; ngân hàng Phương Nam sáp nhập với Sacombank và việc mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng như: PGB, OCB hay là kiểm soát đặc biệt các ngân hàng như: Đông Á Bank, Eximbank, hoạt động tái cơ cấu tại các ngân hàng khác…các hoạt động này cũng làm tăng vốn tại các ngân hàng lên hoặc tự các ngân hàng phải chấn chỉnh nguồn vốn.

Trong kết quả nghiên cứu vốn chủ sở hữu gia tăng lại nghịch biến với tỷ lệ thanh khoản, lý giải tác động nghịch biến này dựa vào thực trạng của ngành ngân hàng trong giai đoạn 2012-2019 như sau: Dưới sức ép của việc thực hiện Basel II, các ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhỏ lại có tính thanh khoản cao; trong khi ngân hàng lại không ngừng gia tăng vốn chủ sở hữu.

- Thực tế tại Việt Nam, những ngân hàng nhỏ thường chịu sức ép lớn về thanh khoản và RRTK hơn những ngân hàng lớn, do đó ngân hàng nhỏ thường chủ động duy trì một tỷ lệ thanh khoản cao để đáp ứng những yêu cầu thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước và đối phó với những biến động từ thị trường. Các ngân hàng nhỏ, với mạng lưới giao dịch ít, thời gian thành lập sau và uy tín chưa cao, khó thu hút được lượng tiền gửi dồi dào, do đó, sẽ duy trì một tỷ lệ thanh khoản cao hơn. Ngược lại, những ngân hàng có quy mô lớn, mạng lưới chi nhánh rộng khắp, gia tăng tổng tài sản, phát triển quy mô sẽ dễ đối phó với những diễn biến thanh khoản từ thị trường, nhóm ngân hàng này có lợi thế hơn từ những ưu đãi của ngân hàng nhà nước.

Đối với biến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu

- Tỷ lệ lợi nhuận có mối quan hệ ngược chiều với RRTK. Thực tế, lợi nhuận của các NHTMCP được mang lại từ hoạt động cho vay là phổ biến đồng nghĩa với các hoạt động kinh doanh phải thật hiệu quả, cạnh tranh tốt nhất, sản phẩm đa dạng và rủi ro thấp nhất. Từ hoạt động kinh doanh hiệu quả và sinh lời làm tăng khả năng thanh khoản và giảm thiểu rủi ro tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng cần gia tăng lợi nhuận từ hoạt động phi tín dụng và thu phí dịch vụ, hạn chế bớt chi phí để tránh ăn mòn vào lợi nhuận nhằm đẩy lợi nhuận ròng cao hơn.

- Quản lý về nhân sự, tài chính, hệ thống chặt chẽ…là điều kiện tiên quyết trong việc gia tăng lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng còn phụ thuộc rất lớn vào các chính sách tài chính và tài khoá của Nhà nước. Vì vậy, ngân hàng cần có những ứng biến linh hoạt cho phù hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô.

Một số kiến nghị nhằm giảm thiểu rủi ro thanh khoản của các ngân hàng

Để giảm thiểu rủi ro thanh khoản của các ngân hàng, trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp gồm:

- Kiểm soát và khắc phục kịp thời, nhanh chóng các yếu tố tiềm ẩn có thể gây ra mất ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi và thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng kinh tế an toàn và ổn định.

- Theo dõi và điều hành chặt chẽ cán cân thanh toán tổng thể, cân đối tiền - hàng, kiểm soát và hạn chế nhập siêu cũng như bội chi ngân sách nhà nước.

- Ngân hàng Nhà nước cần có những quy định buộc các ngân hàng chú trọng quản lý rủi ro và có biện pháp chế tài buộc các ngân hàng tuân thủ. Tiến hành đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và rủi ro tín dụng của các ngân hàng; Tiến hành đánh giá và phân loại các ngân hàng thương mại; Xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng khác; Triển khai sáp nhập, hợp nhất và mua lại; Tăng vốn điều lệ và xử lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng; Cơ cấu lại hoạt động và hệ thống quản lý của các ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả quản lý rủi ro tại các ngân hàng này.   

Tài liệu tham khảo:

1.Nguyễn Thị Tuyết Nga (2019), “Những yếu tố tác động đến thanh khoản tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí tài chính, kỳ 1 tháng 7/2019;

2.Trương Quang Thông (2013), “Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam” Tạp chí Phát triển Kinh tế 276, 50-62;

3.Võ Xuân Vinh, Mai Xuân Đức (2017), “Sở hữu nước ngoài và rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, tập 33, số 3, tháng 11/2017;

4.Trần Huy Hoàng (2011), Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, NXB Lao động xã hội;

5.Osama Omar Jaara và cộng sự (2017),”Liquidity Risk Exposure in Islamic and Conventional Banks”, International Journal of Scientific and Research;

6.Publications, Volume 10, Issue 8, August 2020 808 ISSN 2250-3153;

7.Vodovas (2013), Finansowy Kwartalnik Internetowy e-Finanse, vol 9, issue 4,  pages 64-71.

(*) Phạm Ngọc Vân - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.