Yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững đất nước
Để xã hội ổn định và tạo tiền đề cho phát triển của Việt Nam hiện nay chúng ta phải dựa trên ba yếu tố chủ yếu: phát triển kinh tế; chống tham nhũng và quan hệ quốc tế hài hòa.
Phát triển kinh tế là yếu tố đầu tiên, quyết định nhất đến sự sống còn, đến chất lượng cuộc sống của mỗi người và là sức mạnh của mỗi quốc gia trong xây dựng kiến thiết đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Kinh nghiệm cho thấy, muốn phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay phải phát huy tối đa, tổng lực của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội; phát huy thế mạnh của các vùng, miền, các loại hình kinh tế và các thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước mang tính định hướng, chi phối và dẫn dắt nền kinh tế phát triển, nhưng phải giám sát, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên vì đây là khu vực kinh tế nhạy cảm thường nảy sinh tham nhũng, lãng phí làm ảnh hưởng đến mọi mặt phát triển.
Đồng thời, coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, xem đây là nơi thu hút nguồn lực, nhân lực và đóng góp của cải vật chất cho xã hội nhiều nhất cho phát triển kinh tế của quốc gia.
Kết hợp phát triển kinh tế trong nước với việc thu hút đầu tư nước ngoài để tận dụng các nguồn lực từ nước ngoài, như nguồn vốn, máy móc, phương tiện hiện đại, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức điều hành, quản lý, tạo công ăn việc làm cho người lao động để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đặc biệt phát triển kinh tế tri thức, áp dụng những thành tựu khoa học của nhân loại trong cuộc công nghiệp 4.0 tạo động lực, đòn bảy cho sự phát triển.
Chống tham nhũng là làm cho bộ máy nắm giữ quyền lực trong sạch, ngăn ngừa và giảm thiểu được sự tha hóa của đội ngũ cán bộ công chức viên chức của nhà nước. Ngoài ra, chống tham nhũng là để răn đe, ngăn chặn người nắm giữ quyền lực trong xã hội từ bỏ lòng tham chiếm đoạt tiền của, vật chất của nhân dân và đất nước. Qua đó, giữ vững hoặc lấy lại lòng tin của nhân dân vào chủ thể lãnh đạo làm cho xã hội ổn định và phát triển.
Chỉ có người nắm giữ quyền lực trong xã hội mới có điều kiện tham nhũng, người càng có quyền lực cao thì càng có điều kiện tham nhũng nhiều. Vì vậy, muốn chống tham nhũng hiệu quả, trước tiên người đứng đầu và lực lượng “tinh hoa” quốc gia phải “không nhúng chàm”, phải là tấm gương sáng cả tư tưởng, ý trí và hành động, “chí công vô tư”, thực sự là người yêu nước, thương dân - vì nhân dân, vì đất nước.
Chống tham nhũng phải kiên quyết dùng luật pháp, phải có “lằn ranh đỏ” cho mọi đối tượng và phải công bằng trước pháp luật, kết hợp với dư luận xã hội; phải không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ, phải chống từ trên xuống dưới; phải huy động mọi lực lượng và bằng mọi công cụ, tạo ra phong trào sâu rộng trong toàn xã hội với khí thế quyết tâm như đánh giặc ngoại xâm mới giành được thắng lợi.
Quan hệ quốc tế kiên quyết, mền dẻo và hiệu quả: Tiến trình phát triển của nhân loại đã chứng minh: quốc gia nào muốn ổn định xã hội để phát triển thì phải an dân (dân tin, dân yêu, dân theo, dân thực hiện).
Muốn an dân thì chủ thể cầm quyền phải lo cho dân, cho nước làm cho “dân giàu, nước mạnh” – điều này chỉ có được thông qua phát triển kinh tế, chống tham nhũng và quan hệ quốc tế “hữu hảo” thì “trong mới ấm, ngoài mới êm”. Vì vậy, quan hệ quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng của chủ thể nắm giữ quyền lực của mỗi quốc gia để tạo sự hòa thuận, đồng thuận tạo thế và lực trong việc giải quyết những vấn đề chung của nhân loại và trong nước.
Trong quan hệ quốc tế cần phải kết hợp chặt chẽ giữa kiên quyết và mềm dẻo, khôn khéo trên cơ sở cùng có lợi, đặc biệt coi trọng lợi ích của quốc gia dân tộc mình. Sinh thời, Hồ Chí Minh thực hiện triệt để phương châm: độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, và “muốn người ta giúp mình thì trước hết mình phải giúp mình đã”, và về nguyên tắc, “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Trong từng giai đoạn lịch sử thì việc xác định quan hệ quốc tế cũng khác nhau. Vận dụng sáng suốt quan điểm quan hệ quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn toàn cầu hóa đã đưa ra chính sách: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.
Như vậy, trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập, quan hệ quốc tế là rất quan trọng để ổn định xã hội và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia muốn ổn định để phát triển cần quan hệ đa phương, đa chiều, quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước có chế độ xã hội khác nhau trên cơ sở bình đẳng hai bên cùng có lợi. Đặc biệt coi trọng và khôn khéo trong quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng.
Quan hệ với các nước lớn có tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ trên thế giới để hạn chế họ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia mình; để tranh thủ sự giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành xã hội cho phát triển; để họ ủng hộ, giúp đỡ trong những vấn đề chung nhân loại có liên quan như: giải quyết dịch bệnh, đói nghèo, vấn đề dân chủ, nhân quyền, môi trường sống, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước…
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Đại học Lincoln, Malaysia
TS. Nguyễn Ngọc Thư - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn