Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi:
Kinh tế vĩ mô ổn định là nền tảng giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ phát triển bền vững, ổn định trên cơ sở kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam hiện đang được kiểm soát tốt. Đây là nền tảng để ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và TTCK nói riêng.
Chiều 29/10/2022, trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã lý giải nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam có điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian qua và thông tin về nguồn lực chi cho việc tăng lương cơ sở từ năm 2023.
Giữ TTCK vận hành ổn định, an toàn trong mọi tình huống
Lý giải các nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam có sự điều chỉnh mạnh trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, thị trường có điều chỉnh giảm, có lúc giảm sâu xuất phát từ cả các yếu tố tình hình quốc tế và trong nước.
Về tình hình quốc tế, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu có sự thay đổi rõ rệt sau đại dịch với lạm phát cao, tăng trưởng thấp và có sự điều chỉnh lớn về chính sách tài khóa và tiền tệ.
“Tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn ở mức rất thấp. Các tổ chức tài chính quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế này so với dự kiến từ đầu năm. Đây là một nguyên nhân tác động tới TTCK Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị và cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Đến thời điểm này, không ai có thể dự báo lạc quan về thời điểm kết thúc cuộc xung đột. Điều này ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng năng lượng, đặc biệt là xăng dầu - mặt hàng chiến lược, từ đó tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, TTCK khu vực và thế giới như ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… cũng có biến động mạnh và điều này tác động liên thông tới TTCK Việt Nam.
Về nguyên nhân trong nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ như tăng lãi suất, kiểm soát room tín dụng… để phản ứng với tình hình quốc tế đã ảnh hưởng tới TTCK.
“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự phát triển bền vững, ổn định của TTCK Việt Nam trên cơ sở là ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam hiện đang được kiểm soát tốt. Đây là nền tảng để duy trì và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và TTCK nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.
Đưa ra một số giải pháp để TTCK phát triển minh bạch, ổn định, bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ triển khai một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn, trước mắt, Bộ Tài chính tiếp tục đảm bảo vận hành ổn định và an toàn TTCK trong mọi tình huống.
Thứ hai, tăng cường minh bạch trong việc yêu cầu các công ty tham gia thị trường tuân thủ quy định về công bố thông tin, xử lý nghiêm vi phạm.
Thứ ba, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường.
Thứ tư, tăng cường thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước ra thị trường một cách chính xác và kịp thời để đảm bảo thông tin xấu độc không gây ảnh hưởng tới thị trường.
“Điều quan trọng là giám sát được các tin đồn thất thiệt. Tất cả trường hợp này đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an phối hợp xử lý nghiêm, như vừa rồi đã có các trường hợp bị truy tố”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Thứ năm, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, trước mắt là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời xử lý các bất cập.
Về lâu dài, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát và xem xét điều chính các nội dung bất cập của Luật Chứng khoán; Tiếp tục tái cấu trúc TTCK; đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực của cả nhà đầu tư, cơ quan quản lý và lực lượng thanh kiểm tra giám sát thị trường, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Cần 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ năm 2023
Bên cạnh cung cấp thông tin về TTCK, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã thông tin về nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở từ năm 2023.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương năm 2018 về chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan sắp xếp, bố trí nguồn lực sẵn sàng. Các giải pháp tập trung chủ yếu từ tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên.
“Đến hết năm 2021, theo Bộ Tài chính nắm được, chúng ta có nguồn từ ngân sách địa phương trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách trung ương khoảng 43.000 tỷ đồng để phục vụ cho chính sách tăng lương”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình Quốc hội tăng lương cơ sở thêm 20,8% từ ngày 1/7/2023.
Theo tính toán chi phí phát sinh cho việc tăng lương cơ sở bao gồm cả lương hưu, an sinh xã hội, phụ cấp nghề... cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho chính sách này sau khi Quốc hội phê duyệt. “Chúng ta hoàn toàn chủ động về nguồn tài chính cho quyết sách tăng lương cơ sở”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay.