10 câu hỏi về quyết định của FED
Mặc dù đã được dự đoán trước, song quyết định nâng lãi suất của FED vẫn trở thành một sự kiện kinh tế trọng đại nhất trong ngày 17/12. Vậy lãi suất liên bang là gì và tại sao quyết định của FED lại thu hút sự chú ý đến vậy?
1. Lãi suất liên bang là gì?
Đây là mức lãi FED áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Những thay đổi trong lãi suất này thường có tác động lớn lên nền kinh tế, ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn và dài hạn, tỷ giá đồng đôla Mỹ và nhiều lĩnh vực khác, trong đó có tình hình việc làm và chỉ số giá tiêu dùng.
2. FED điều chỉnh lãi suất để làm gì?
Thông qua lãi suất này, FED có thể quản lý cung tiền trên thị trường. Họ sẽ hạ lãi suất để khuyến khích tiêu dùng và đầu tư, nhằm kích thích nền kinh tế. Ngược lại, khi nhận thấy kinh tế tăng trưởng quá nóng, FED sẽ nâng lãi suất để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát. Khi lạm phát tăng vọt giai đoạn 1979 - 1980, FED đã đẩy lãi suất lên kỷ lục 20% để bình ổn nền kinh tế. Nhưng việc này cũng khiến Mỹ rơi vào suy thoái trong 2 năm sau đó.
3. Tại sao lãi suất hiện thấp như vậy?
Khi kinh tế Mỹ bắt đầu chững lại năm 2007, FED đã hạ lãi suất 10 lần, từ 4,75% tháng 9.2007 xuống 0-0,25% vào tháng 12.2008. Mục tiêu là ngăn Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái nữa. Từ đó, họ đã giữ lãi suất gần 0% để đưa nền kinh tế hồi phục sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 8 thập kỷ qua.
4. Lợi và hại của lãi suất thấp?
Lãi suất thấp kỷ lục khiến tín dụng dễ dàng phân bổ khắp nền kinh tế. Chính sách nới lỏng tiền tệ đã khuyến khích người dân mua nhà, mua xe, hỗ trợ thị trường bất động sản và ô tô tại Mỹ hồi phục nhanh hơn. Nhưng mặt khác, lãi suất thấp lại đánh vào túi tiền các nhà đầu tư và người gửi tiết kiệm, khiến họ gần như chẳng có lời. Việc này cũng sẽ khiến lạm phát tăng tốc trở lại.
5. Kinh tế Mỹ đã sẵn sàng?
Đây là câu hỏi trị giá cả nghìn tỷ USD, và các ý kiến cũng rất đa dạng. Với những người lạc quan, FED đã làm rất tốt công việc phục hồi kinh tế Mỹ, so với nhiều nước khác. Vì thế, họ cho rằng tăng 0,25% cũng chẳng có mấy ảnh hưởng. Thay vào đó, đây còn là nước đi thông minh để bảo đảm mục tiêu lạm phát. Nhưng những người bi quan thì cảnh báo lạm phát vẫn đang ở đáy. Và FED sẽ làm náo loạn thị trường tài chính, cũng như đẩy giá đồng USD lên, khi hành động quá sớm.
6. Những loại lãi suất gì sẽ bị ảnh hưởng?
Điều chỉnh lãi suất liên bang - lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng - sẽ ảnh hưởng đến các loại lãi suất ngắn hạn khác mà các hộ gia đình và doanh nghiệp phải trả. Động thái này cũng tác động lên cả các lãi suất dài hạn, bao gồm các khoản vay thế chấp và trái phiếu doanh nghiệp. Những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến giá tài sản, trong đó có thị trường chứng khoán.
7. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng?
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tận dụng lợi thế lãi suất thấp để vay tiền thông qua thị trường trái phiếu. Hầu hết nói rằng họ không bị áp lực nếu lãi suất tăng lên một chút và tin rằng sự kiện này vốn đã được tính vào giá của trái phiếu do mình phát hành. Tuy nhiên, lãi suất của các khoản nợ có mức xếp hạng thấp có thể sẽ tăng mạnh.
8. Người tiêu dùng Mỹ đã được chuẩn bị?
Lãi suất ngắn hạn tăng tác động tích cực đến những người tiết kiệm vì thu được nhiều lãi hơn từ tiền gửi trong ngân hàng. Tuy nhiên, một loạt lãi suất sẽ tăng lên, trong đó có các khoản vay mua nhà, mua xe hơi, lãi suất thẻ tín dụng… Gánh nặng nợ của các hộ gia đình đã giảm mạnh so với thời khủng hoảng, thể hiện người tiêu dùng Mỹ đã chuẩn bị tốt cho kịch bản chi phí đi vay tăng lên. Hơn nữa, dù lãi suất được 0,25%, nó vẫn ở mức thấp kỷ lục.
9. Các nhà đầu tư sẽ phản ứng như thế nào?
Đây là câu hỏi nóng nhất và được quan tâm nhiều nhất trong những ngày này. Một số người cho rằng FED đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng đến mức các thị trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên một số người lo sợ biến động sẽ là điều không thể tránh khỏi.
10. Sẽ có hiệu ứng domino?
Ngân hàng Trung ương Anh được dự báo sẽ theo bước FED và nâng lãi suất. Tuy nhiên, vì xu hướng dài hạn của giá dầu là ở mức thấp, kéo theo lạm phát thấp, nhiều ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và đặc biệt là mở rộng các gói nới lỏng định lượng.
Chủ tịch Ngân hàng chung châu Âu Mario Draghi mới đây đã “dọn đường” cho việc nới lỏng định lượng và Nhật Bản cũng làm điều tương tự để đưa lạm phát đến mức mục tiêu. NHTW Trung Quốc cũng có thể cắt giảm lãi suất hơn nữa để kích thích tăng trưởng.
Trong khi đó tương lai của các nền kinh tế mới nổi khó đoán hơn. Nếu FED tăng lãi suất khiến khủng hoảng nổ ra ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, các nước phải lựa chọn hoặc hạ lãi suất để cứu nền kinh tế, hoặc tăng lãi suất để ngăn dòng tiền ồ ạt tháo chạy.