10 kết quả nổi bật của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2023

Đức Bảo - Thu Lan

Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn, thách thức, song dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã nỗ lực đạt được những kết quả toàn diện, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực công tác với 10 kết quả nổi bật.

Năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi.

1. Hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc mạnh mẽ: 100% các xã, huyện và tỉnh trên toàn quốc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)

Trong năm 2023, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy 63 tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục quan tâm phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến từng thành viên.

Đến nay, 100% các xã tại 63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo (tương ứng có 10.595 Ban Chỉ đạo cấp xã); 60/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 62/63 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT.

2. Diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục tăng, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa như kỳ vọng

Năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi; 14,7 triệu người tham gia BHTN. Số người tham gia BHYT là trên 93,3 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ 93,35%, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

3. Số người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn, quyền lợi người thụ hưởng tiếp tục được đảm bảo kịp thời với chất lượng phục vụ ngày càng cao

Trong năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho gần 95,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe... Tổng số chi các quỹ BHXH, BHYT, BHTN đạt trên 439,27 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2023, cả nước đã có khoảng 64% số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022 (vượt 4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

4. Kỷ cương, kỷ luật về tài chính được tăng cường; quỹ BHXH, BHYT tiếp tục được quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả

Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi người tham gia, Quỹ BHXH, BHYT còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia.

Với cơ cấu đầu tư vào trái phiếu chính phủ chiếm trên 80% tổng dư nợ đầu tư, các quỹ bảo hiểm đã góp phần đáp ứng nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước, giúp thực hiện chính sách tài chính vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia, cơ cấu lại nợ công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

5. Công tác truyền thông, tư vấn, giải đáp chính sách tiếp tục đổi mới linh hoạt, sáng tạo

Ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải hơn 32 nghìn tin, bài, phóng sự…; thực hiện khoảng 28.800 hội nghị truyền thông, tập huấn, tư vấn, đối thoại với khoảng 1,58 triệu lượt người tham dự; khoảng 139.000 cuộc truyền thông nhóm nhỏ cho khoảng 1,08 triệu lượt người...

Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam đã hỗ trợ, tư vấn, giải đáp trên 1,7 triệu lượt người; tổ chức 12 hội nghị đối thoại, giải đáp chính sách tại 12 tỉnh, thành phố, thu hút gần 2.450 người tham gia. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh ngành BHXH Việt Nam phục vụ người dân tận tâm, chuyên nghiệp và hiệu quả.

6. BHXH Việt Nam tiếp tục được ghi nhận, đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai Đề án 06

Trong năm 2023, Ngành đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT chiếm 97% tổng số người tham gia.

Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách, đồng thời phòng chống trục lợi chính sách hiệu quả.

Đặc biệt, đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT (tương ứng 12.851 nghìn cơ sở) trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp, với hơn 55 triệu lượt người sử dụng, rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

7. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN giảm sâu nhất từ trước đến nay

Năm 2023, BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 22 nghìn đơn vị với tổng số tiền chậm đóng các đơn vị đã khắc phục là trên 2.023 tỷ đồng.

Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của Ngành, nên số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu - là tỷ lệ thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (giảm từ 6% năm 2016 xuống còn 2,69%).

Việc tiếp tục duy trì tỷ lệ chậm đóng ở mức thấp là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.    

8. Đặt quyền lợi người tham gia BHYT làm trọng tâm, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT và bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT

Để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT theo quy định, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giai đoạn hậu COVID-19 và giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày giải quyết khó khăn về cơ chế thanh toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT vượt tổng mức thanh toán và bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHYT.

Có thể thấy, sự chủ động, quyết liệt của ngành BHXH Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT và cùng thực hiện trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.    

9. Đã có khoảng 35 triệu người sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”

Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, BHXH Việt Nam tiếp tục nâng cấp ứng dụng “VssID - BHXH số” bổ sung nhiều tiện ích quan trọng. Với các tính năng thiết thực, đến nay ứng dụng đã thu hút khoảng 35 triệu người sử dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao.

Theo bảng xếp hạng hiện nay về "Ứng dụng được tải nhiều nhất tại Việt Nam" trên App Store, ứng dụng VssID đứng thứ 25 trong nhóm các ứng dụng cung cấp miễn phí. Đây cũng là một trong 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là có lượng người dùng lớn tại Việt Nam.

10. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đổi mới, hội nhập và phát triển

Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, linh hoạt và có nhiều đổi mới; tăng cường các hoạt động cả đa phương và song phương. Quan hệ hợp tác về an sinh xã hội với các nước, nhất là các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc...; các tổ chức quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế…) tiếp tục được duy trì, mở rộng.

Có thể khẳng định, những kết quả tích cực, toàn diện đạt được trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành BHXH Việt Nam đã cho thấy, quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đươc giao, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, người lao động, doanh nghiệp với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.