10 rủi ro của thế giới 2019
Vừa qua tại London, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2019, chỉ ra 10 rủi ro có khả năng xảy ra lớn nhất và 10 rủi ro có tác động mạnh nhất, phân loại theo 5 hạng mục là kinh tế, môi trường, địa - chính trị, xã hội và công nghệ.
Những rủi ro lớn nhất và tác động mạnh nhất
Các vấn đề về môi trường tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu và là rủi ro có khả năng xảy ra lớn nhất trong năm nay, khi chiếm đến 50%, trong đó 3 vị trí đầu tiên cũng đều thuộc hạng mục này.
Cụ thể, xếp đầu danh sách là rủi ro môi trường khắc nghiệt, kế tiếp là nỗi lo thất bại của việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, thứ ba là các thảm họa thiên nhiên. Những rủi ro như thảm họa môi trường nhân tạo xếp thứ 6 và vấn đề mất đa dạng sinh học cũng như sụp đổ hệ sinh thái xếp thứ 8.
Rủi ro về công nghệ cũng có xác suất xảy ra khá cao, với 2 vấn đề được đưa ra gồm gian lận dữ liệu xếp thứ 4, tấn công mạng xếp thứ 5.
Ở hạng mục địa - chính trị, xu hướng di cư không tự nguyện theo quy mô lớn xếp thứ 7. Khủng hoảng nguồn nước thuộc vấn đề xã hội xếp thứ 9 và cuối cùng ở hạng mục kinh tế là bong bóng tài sản tại các nền kinh tế lớn xếp thứ 10.
Đáng lưu ý là rủi ro chiến tranh thương mại dù chiếm nhiều giấy mực của truyền thông suốt thời gian qua nhưng không được đưa vào 10 rủi ro trên.
Trong danh sách top 10 rủi ro có tác động mạnh nhất cũng bao gồm phần lớn các vấn đề trên, ngoài việc vị trí xếp hạng có sự thay đổi.
Cụ thể, thất bại trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu xếp thứ 2, sự kiện môi trường khắc nghiệt xếp thứ 3, khủng hoảng nguồn nước xếp thứ 4, thảm họa tự nhiên xếp thứ 5, mất đa dạng sinh học cũng như sụp đổ hệ sinh thái xếp thứ 6, tấn công mạng xếp thứ 7 và thảm họa môi trường nhân tạo xếp thứ 8.
Điều bất ngờ là có thêm 3 rủi ro mới tuy không xuất hiện trong danh sách 10 rủi ro có khả năng xảy ra cao nhưng lại xuất hiện trong danh sách này, gồm nỗi lo vũ khí phá hoại hàng loạt thuộc hạng mục địa - chính trị xếp thứ nhất về mức độ tác động nếu xảy ra, sự cố cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng thuộc công nghệ xếp thứ 8 và lây lan các bệnh truyền nhiễm thuộc vấn đề xã hội xếp thứ 10.
Mối tương quan và hệ quả
Báo cáo chỉ ra những rủi ro kể trên vừa là nguyên nhân nhưng cũng có thể là hệ quả của 13 vấn đề mang tính thách thức toàn cầu hiện nay, như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa dân túy, cục diện quản trị quốc tế thay đổi, các loại bệnh mạn tính gia tăng, chuyển giao quyền lực, thu nhập gia tăng và chênh lệch giàu nghèo, dân số già, tình trạng di cư, sự phụ thuộc không gian mạng, phân cực xã hội gia tăng, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh tại các nền kinh tế mới nổi, đô thị hóa tràn lan và môi trường xuống cấp.
Những cuộc tấn công khủng bố không chỉ dừng lại ở ngoài đời thực mà còn có thể cả tấn công mạng, gây ra những thiệt hại không kém, nếu như tình trạng gian lận dữ liệu và sự cố hạ tầng thông tin quan trọng tiếp tục gia tăng, vốn được xem là mặt trái của tiến bộ công nghệ.
Bên cạnh đó, các rủi ro này cũng có mối tương quan mật thiết, ảnh hưởng lên nhau và có thể kết hợp với nhau để tạo ra những rủi ro tiềm ẩn khác. Đơn cử như sự phát triển của vũ khí hàng loạt cùng với mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và sự thất bại trong việc hợp tác trong khu vực và toàn cầu có thể châm ngòi cho các tổ chức và các cuộc tấn công khủng bố tiếp tục sinh sôi.
Điều đặc biệt là những cuộc tấn công khủng bố không chỉ dừng lại ở ngoài đời thực mà còn có thể cả những cuộc tấn công mạng, gây ra những thiệt hại không kém, nếu như tình trạng gian lận dữ liệu và sự cố hạ tầng thông tin quan trọng tiếp tục gia tăng, vốn được xem là mặt trái của tiến bộ công nghệ.
Trong khi đó, những vấn đề xã hội, khủng hoảng nguồn nước, thảm họa thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt và thất bại trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực và gây ra nạn đói tại một số khu vực. Những rủi ro này nếu kết hợp với nhau cộng thêm các thảm họa môi trường do con người gây ra sẽ dẫn đến kết quả là mất đa dạng sinh học cùng sụp đổ hệ sinh thái.
Các vấn đề như bất ổn xã hội sâu sắc, khủng hoảng hay sụp đổ của chính phủ một số quốc gia, các nước thất bại trong việc hợp tác quốc tế, bộ máy quản trị nhà nước thất bại trong chính sách điều hành, biến đổi khí hậu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo đều có thể dẫn tới làn sóng di cư bắt buộc với quy mô lớn.
Về kinh tế, rủi ro bong bóng tài sản tại các nền kinh tế lớn, tình trạng giảm phát hoặc lạm phát ngoài tầm kiểm soát, sự thất bại của các cơ chế tài chính hoặc định chế, tỷ lệ thất nghiệp cao, khủng hoảng chính sách tài khóa cũng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bên cạnh đó, việc thất bại trong quy hoạch đô thị hay thảm họa môi trường nhân tạo đều có thể đưa đến những cú sốc giá năng lượng không lường trước.
Bản báo cáo trên được công bố trước khi hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 22 - 25/1.