10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2014
Năm 2014, với nỗ lực phấn đấu, phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả của các ngành, các cấp, ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong năm 2014, NSNN tiếp tục được tăng cường, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kiến nghị xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách tiếp tục được tăng cường.
2. Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước
Năm 2014, Bộ Tài chính đã quyết liệt đẩy mạnh triển khai hiện đại hoá gắn với cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước. Cụ thể: Hệ thống Thuế và Hải quan: đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính; rút ngắn 54% số giờ nộp thuế (ngoài ra, Luật sửa đổi một số điều của 5 Luật thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ giảm thêm được 80 giờ) và thời gian làm thủ tục hải quan (qua cơ chế 1 cửa quốc gia cắt giảm được khoảng 10%-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng XNK; triển khai hệ thống thông quan tự động đã rút ngắn thời gian thông quan đối với luồng xanh từ 3 phút xuống còn 3 giây...). Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN): triển khai thành công hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các ngân hàng thương mại giúp cho hệ thống KBNN chủ động được nguồn vốn, điều hòa vốn linh hoạt giúp cho việc quản lý ngân quỹ được hiệu quả, an toàn.
3. Thành công trong xây dựng hệ thống pháp luật về tài chính
Ngành Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng Luật, Nghị quyết của Quốc hội (trong đó, 4 Luật đã được Quốc hội thông qua là: Luật Hải quan, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế. Luật NSNN đã trình Quốc hội cho ý kiến và đã trình Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán). Tính đến ngày 22/12/2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 15 Nghị định (đã ban hành 9 Nghị định); trình Thủ tướng Chính phủ 12 Quyết định (đã ban hành 5 Quyết định) và trình các cấp có thẩm quyền 16 Đề án khác; ban hành 205 Thông tư, Thông tư liên tịch.
4. Phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 10 năm. Đợt phát hành đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư, thể hiện ở khối lượng đặt mua lớn hơn gấp 10 lần khối lượng phát hành. Lãi suất trái phiếu đạt 4,8%, thấp hơn 0,325% so với mức lãi suất dự kiến và thấp hơn rất nhiều so với lãi suất trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây.
5. Công tác quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát đạt kết quả tích cực
Năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Giá. Thực hiện tốt quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trước diễn biến tăng giá của sản phẩm sữa, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Chính phủ chấp thuận áp dụng biện pháp giá tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 1/6/2014. Đến nay, giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường đã giảm mạnh.
6. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia được thành lập, góp phần chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao
Ngày 24/6/2014, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao từ Chính phủ, các bộ, ngành. Chỉ tính từ tháng 6/2014 đến hết tháng 11/2014, các đơn vị chức năng đã phát hiện, xử lý 189.044 vụ việc vi phạm; số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 13.386,3 tỷ đồng; khởi tố 1.378 vụ/1.556 đối tượng.
7. Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng ICT Index 2014
Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - TT Việt Nam 2014 (Vietnam ICT Index 2014), Bộ Tài chính đã vượt lên chiếm vị trí Quán quân với chỉ số 0.934. Trong 4 lĩnh vực được đưa vào đánh giá, Bộ Tài chính đứng thứ Nhất ở 3/4 chỉ tiêu. Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật của Bộ Tài chính đứng thứ Nhất trong khối các cơ quan bộ, ngành; chỉ tiêu hạ tầng nhân lực và ứng dụng, Bộ Tài chính cũng giành ngôi vị Quán quân.
8. “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán” góp phần tái cấu trúc nền kinh tế.
Tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các tổ chức kinh doanh chứng khoán là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Tài chính đẩy mạnh thực hiện trong năm 2014. Thực hiện kế hoạch đặt ra, từ 105 công ty chứng khoán trước đây, hiện đã thu hẹp còn 81 công ty (giảm 24 công ty). Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phát triển thị trường, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh; nghiên cứu ban hành các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán; xử lý kịp thời các vi phạm nhằm phát triển thị trường lành mạnh.
9. Hoạt động bảo hiểm góp phần ổn định môi trường đầu tư, tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ biển đảo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm kịp thời thực hiện bồi thường, tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh. Việc làm này đã góp phần ổn định môi trường đầu tư, tạo niềm tin để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành chính sách và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai chính sách bảo hiểm khai thác hải sản. Đây là chính sách bảo hiểm giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ biển đảo.
10. Khánh thành Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Ngày 12/7/2014, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tổ chức Lễ khánh thành Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Với sự chung tay góp sức của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tài chính, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 đã được nâng cấp, xây dựng là một trong hai Nghĩa trang Liệt sỹ lớn nhất cả nước. Đây là hoạt động chính trị vô cùng đặc biệt về truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.