10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 1.434 triệu USD
Chiều ngày 10/11, Hiệp hội Cá tra Việt Nam phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình ngành cá tra năm 2023 và phương hướng kế hoạch năm 2024.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến ngày 31/10/2023, diện tích nuôi mới cá tra là 5.319ha (tăng 85,36% so với cùng kỳ năm 2022), diện tích thu hoạch là 3.663ha (tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2022), sản lượng đạt 1.336.346 tấn (tăng 61,29% so với cùng kỳ năm 2022) với năng suất trung bình đạt 365 tấn/ha (cùng kỳ năm 2022 là 291 tấn/ha).
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 15/10/2023 đạt 1.434 triệu USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc đứng đầu, thứ 2 là thị trường Mỹ, thứ 3 là các nước thuộc (CPTPP Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương như Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia..), thứ 4 là EU.
Tại Đồng Tháp, về nuôi thương phẩm, tính đến hết tháng 10/2023, diện tích thả nuôi cá tra 2.470,6ha, tăng 1,2% (tương ứng 30,5ha) so với cùng kỳ và đạt 94,6% so kế hoạch năm 2023; sản lượng thu hoạch 464.621 tấn, tăng 4,2% (tương ứng 18.960 tấn) so với cùng kỳ và đạt 87,5% so với kế hoạch.
Trong 3 tháng đầu năm, tình hình tiêu thụ cá tra tương đối thuận lợi, tuy nhiên từ cuối quý I/2023 đến nay, do tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, số đơn hàng xuất khẩu ít trong khi sản phẩm chế biến tồn kho còn nhiều, dẫn đến tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm…
Tại hội nghị, các đại biểu nêu những khó khăn của ngành cá tra: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi khiến một số bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện thường xuyên và khó điều trị, gây thiệt hại cho người nuôi; giá thành sản xuất tăng (chủ yếu do giá thức ăn thủy sản liên tục tăng) ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi; chi phí logistics tăng...