10 thương vụ kinh doanh tiêu biểu năm 2009
TCTC Online - Nhờ tài năng xuất chúng về kinh doanh, các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới như Warren Buffett, Jamie Dimon, Alan Mulally... đã tạo ra những thương vụ kinh doanh tiêu biểu của năm 2009.
Họ mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho công ty, đưa doanh nghiệp của họ đứng ngoài bão tài chính và bành trướng thương hiệu ngay cả khi môi trường kinh doanh khó khăn...
Dưới đây là top 10 thương vụ kinh doanh tiêu biểu năm 2009 do Time bình chọn:
Buffett đầu tư vào Goldman Sachs
Ngày 24/9/2008, trong khi cả thế giới hoảng loạn với cơn bão tài chính toàn cầu, giá cổ phiếu rớt thê thảm thì Warren Buffett lại đặt bút ký hợp đồng đầu tư vào Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (số tiền được thanh toán vào năm 2009 nên được tính cho năm 2009).
Buffett trả cho ngân hàng này 5 tỷ USD, đổi lại ông được sở hữu số cổ phiếu ưu đãi với cổ tức nhận được là 10%/năm cộng với quyền mua 43,5 triệu cổ phiếu phổ thông với giá là 115 USD/cổ phiếu.
Khi Buffet đầu tư thương vụ này đã có rất nhiều chuyên gia tài chính cho rằng ông già “lẩm cẩm” này sẽ hối hận. Nhưng một năm sau, vụ đầu tư trên đã mang lại cho Buffett khoản lời 3 tỷ USD.
Một thương vụ khác giữa Berkshire Hatheway (tập đoàn do Buffett quản lý) với General Electric (GM) dù không đình đám nhưng cũng là cỗ máy kiếm tiền cho Buffett, trong khi nhiều người thua lỗ nặng vì đã bán tháo cổ phiếu của GM.
JP Morgan Chase và hợp đồng khôn ngoan: đứng ngoài cuộc
Năm 2005, 2006, ở Mỹ bùng nổ trái phiếu dùng giấy nợ bảo đảm (CDOs). Trong khi các đối thủ sừng sỏ như Merrill Lynch, Citigroup, UBS mua chứng khoán thế chấp trị giá hàng trăm tỷ USD thì JP Morgan Chase lại đứng ngoài cuộc.
Vì sao vậy? Chính những chuyên gia tài chính của Morgan Chase là người phát minh ra CDOs nên họ biết rõ chân tướng nó là quá rủi ro. Tổng giám đốc điều hành của JP Morgan, ông Jamie Dimon, đã ngừng thực hiện các hợp đồng CDOs trước khi nó đổ vỡ.
Mặc dù sự thận trọng này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng vào lúc đó nhưng lại giúp JP Morgan gần như không bị ảnh hưởng của bão tài chính vừa qua. Ngược lại hãng còn kiếm được 8,5 tỷ USD lợi nhuận trong ba quý đầu năm 2009, trong lúc hầu hết các đối thủ vẫn thoi thóp.
BB&T
Sau hàng thập kỷ lép vế trước những đế chế khổng lồ như Bank of America, Wachovia, Tập đoàn BB&T nổi lên như diều gặp gió và là một trong những hãng thắng lợi vang dội nhất của năm 2009.
Wachovia đã bị xóa sổ và bán cho Ngân hàng Wells Fargo vào cuối năm 2008, còn Bank of America đang phải vật lộn để vá vết thương khủng hoảng. Trong khi đó BB&T lại kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ và trở nên hùng mạnh hơn sau khi mua lại các chi nhánh của Ngân hàng Colonial có trụ sở ở Alabama - ngân hàng thua lỗ nặng lề nhất năm 2009.
BB&T đã vươn lên trở thành ngân hàng lớn thứ 7 ở Mỹ về tài sản, trong khi các đối thủ bị tổn thương nặng nề vì cho vay bất động sản thương mại thì BB&T vẫn "sống khỏe".
Berkshire Hathaway mua Burlington Northern
Lần đầu tiên Berkshire của tỷ phú Buffett mua cổ phần ở Burlington Northern - hãng xe lửa lớn nhất nước Mỹ là vào năm 2007. Tháng 11/2009, Berkshire lại tuyên bố mua nốt 77% cổ phần của hãng này bằng tiền mặt và cổ phiếu. Đây được xem là thương vụ thâu tóm kinh điển của Buffett vì ông đã mua được giá rẻ hơn đối thủ khác và Burlington Northern vừa có mức sinh lời cao vừa ổn định.
Không những vậy, Buffett còn thâu tóm được cả những nhân sự tài năng, trong đó có giám đốc điều hành của Burlington Northern là Matthew K. Rose, 50 tuổi - người có đủ khả năng điều hành Tập đoàn Berkshire trong tương lai gần khi Buffett nghỉ hưu.
Thương vụ vay 23,6 tỷ USD của Ford
Không lâu sau khi lên nắm giữ chức Tổng giám đốc điều hành của Ford Motor Co., năm 2006 Alan Mulally đã cầm đơn đến các ngân hàng để vay một khoản tiền khổng lồ: 23,6 tỷ USD. Số tiền mà Mulally cho là “cái đệm để bảo vệ cho một cuộc khủng hoảng và những biến cố khách quan”. Giờ đây người ta mới biết cái đệm đó đã giúp Ford sống sót và được bảo trợ của nhà nước, đồng thời đánh giá cao tài năng của Alan.
Trong khi đối thủ của Ford là General Motors và Chrysler hướng về Washington để cầu cứu và cuối cùng là nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ thì Ford trở nên sáng sủa nhất, bắt đầu phát triển trở lại và có lãi trong quý III/2009.
Sự thăng hoa của BlackRock
Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm lộ rõ tài năng của Larry Fink, người đứng đầu Tập đoàn BlackRock. Đây là chuyên gia thiên tài về đầu tư vào những tài sản có thu nhập cố định (trái phiếu, kỳ phiếu, cổ phiếu ưu đãi...). Larry biết ông đang làm gì và có những lợi thế gì.
BlackRock đã kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ sau khi chính phủ tín nhiệm chỉ định quản lý những tài sản có vấn đề của Bear Stearns, AIG, định giá các danh mục đầu tư của Fannie Mae và Freddie Mac... Trong năm 2009, BlackRock vươn lên trở thành tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Chỉ sau 21 năm thành lập, giờ đây công ty đang ở đỉnh cao của quyền lực.
HP thâu tóm 3Com
Năm 2009 được xem là một năm thành công lớn đối với những công ty công nghệ lâu đời như việc sát nhập giữa Oracle và Sun Microsysterms, Dell và Perot Systems, Xerox và Affiliated Computer Services, đặc biệt là sự sát nhập giữa HP và 3Com.
Với việc sát nhập này, HP thiết lập cho mình thành một đế chế cung cấp dịch vụ tin học khổng lồ và trở thành địch thủ đáng gờm của IBM. Cũng trong năm 2009, mặc dù các đối thủ khác rơi vào khủng hoảng thì HP vẫn phát triển và kiếm được khoản lợi nhuận hàng tỷ USD.
Google thâu tóm AdMob
Giống như các hãng khác, Google vẫn đang cố gắng định hình xem quảng cáo trên thiết bị di động sẽ diễn ra như thế nào. Do vậy hãng này đã chi số cổ phiếu trị giá 750 triệu USD để mua AdMob, hãng đang có giấc mơ tìm cách đưa quảng cáo vào những ứng dụng của iPhone của Apple.
Apple thông báo hãng này cũng có ý định thâu tóm AdMob nhưng đã bị Google cuỗm trước. Omar Hamoui, người sáng lập Công ty AdMob mới được ba năm, đã trở thành tỷ phú sau khi bán công ty này.
Time Warner "ly hôn" AOL
Cuộc sát nhập giữa Tập đoàn truyền thông AOL và Time Warner năm 2001 được xem là một trong những thương vụ kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử. Không như dự đoán sẽ trở thành bá chủ thế giới về truyền thông, sau khi "kết hôn", AOL - Time Warner đã luôn xảy ra lục đục nội bộ và cặp “vợ chồng” này luôn lao đao trong kinh doanh.
Cuối cùng, vào tháng 12/2009, AOL và Time Warner đã chính thức ly hôn. Theo Jeff Bewkes, Tổng giám đốc điều hành của AOL - Time Warner thì việc chia tách này sẽ giúp cho cả hai hoạt động độc lập hơn, tập trung được vào hoạt động kinh doanh chính và kinh doanh có lời. Dù chưa biết cuộc ly hôn này sẽ đi đến đâu nhưng đó được xem là chiến lược logic.
Mead Johnson Nutrition chia tay Bristol-Myers
Không ai nghĩ rằng vào thời điểm tháng 3 năm nay - khi thị trường chứng khoán thế giới đang ở mức đáy trong nhiều năm qua - lại là một năm thành công mỹ mãn cho IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của hãng Mead Johnson Nutrition.
Mead Johnson, công ty được sáng lập vào năm 1905 và được Bristol-Myers mua lại vào năm 1967, đã chia tay vào năm nay.
Mead Johnson có thương hiệu từ lâu, có lợi nhuận đáng tin cậy và đang trên đường bành trướng thương hiệu trên toàn cầu. Người ta không ngờ IPO của Mead Johnson lại là vụ IPO thành công nhất của năm 2009. Sau khi niêm yết, giá của cổ phiếu này đã tăng gần 90%.