12 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020

PV.

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đồng thời, phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế; giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước; nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Căn cứ các mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm
cần thực hiện trong Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cụ thể:

Thứ nhất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Thứ sáu, phát triển các vùng kinh tế, khu kinh tế, kinh tế biển.

Thứ bảy, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Thứ tám, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ.

Thứ chín, phát triển văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ mười, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Mười một, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mười hai, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.