161 tỷ USD tác động lan tỏa chưa như kỳ vọng
Sự có mặt của các doanh nghiệp (FDI) giúp thúc đẩy DN trong nước nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh. Tuy nhiên, cần có những giải pháp để nguồn vốn này có sức lan tỏa lớn hơn, gia tăng nội lực cho nền kinh tế.
Cuối năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn khó khăn, sản xuất và lưu thông kém phát triển. Sau gần 30 năm “đón” vốn FDI, Việt Nam đã có hơn 23.000 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD.
Khu vực FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, khu vực FDI hiện chiếm đến 72% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp khoảng 20-25% GDP, tạo ra 3,7 triệu việc làm trực tiếp, đóng góp trên 15% thu ngân sách.
Sự có mặt của các DN FDI giúp thúc đẩy các DN trong nước nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhóm DN này cũng có một số hạn chế, thậm chí là tiêu cực, như vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyển giá, vốn thực hiện thấp hơn rất nhiều so với vốn đăng ký, sử dụng tài nguyên lãng phí...
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhược điểm chính của FDI hiện nay là tác động lan toả. Tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các DN Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể kể đến như DN Việt chỉ thực hiện những khâu giá trị gia tăng thấp trong các ngành dệt may hay da giày, tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô cũng chỉ vào khoảng 10%.
Nếu như năm 2010, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khối ASEAN thì đến năm 2014 đã vươn lên đứng đầu, chiếm 22% tổng xuất khẩu sang Hoa Kỳ của khối. Tuy vậy, vấn đề là chỉ có khoảng 21% DN Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%.
Hướng đi nào để doanh nghiệp Việt không chỉ làm gia công
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng cần định hướng và chọn lọc trong việc thu hút nguồn vốn FDI; có bước chuẩn bị để chủ động đón nhận nguồn vốn; mở ra cơ hội cho DN trong nước tham gia chuỗi giá trị.
Về phía nhà đầu tư, ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng Ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, Toyota Việt Nam có khoảng 80% vốn nước ngoài, hoạt động ở Việt Nam được 20 năm. Tuy nhiên, việc nội địa hóa khó thực hiện là do vấn đề sản lượng.
Theo ông Tuấn, Toyota khi chọn nhà cung cấp thì không phân biệt đó là DN trong nước hay nước ngoài bởi chỉ cần đáp ứng chất lượng thì sẽ được chọn. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN cung cấp của Toyota chủ yếu là các DN FDI vốn cung cấp cho hãng này ở nước khác nên theo vào Việt Nam đầu tư.
Còn ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc đối ngoại Samsung Vietnam, đánh giá rất cao các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư. Thực tế, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam có cơ sở hạ tầng thuận lợi và có sức cạnh tranh khá tốt.
Đến nay Samsung Vietnam đã có 25 DN Việt là nhà cung cấp cấp 1, dự kiến có thể lên tới 29 DN đến cuối năm. Để trở thành DN cấp 1 cần có thời gian, tuy nhiên, trong chuỗi cung ứng của Samsung hiện có rất nhiều DN cấp 2, 3 cung cấp các sản phẩm gián tiếp. Mặt khác, sản phẩm của hãng này được xuất khẩu tới nhiều nơi trên thế giới nên tất cả các linh kiện đầu vào cần có sự tin tưởng và chất lượng cao.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho rằng, ngay cả có 50 DN Việt là DN cấp 1 cho Samsung thì vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, theo ông Thắng, không nên trông chờ nhà đầu tư nước ngoài mở cửa cho DN Việt nếu vẫn yếu và thiếu, hay mong chờ họ đợi mình lớn lên để chọn lựa.
Ông Thắng cho rằng bên cạnh vai trò Nhà nước trong hoạch định chính sách, DN trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng phải có tinh thần sẵn sàng hợp tác, tham gia với DN nước ngoài.
Có cùng quan điểm, ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia cho rằng, nếu để DN nhỏ và vừa “tự bơi” thì sẽ không thể làm được. Nhà nước nên thành lập các trung tâm hỗ trợ. Ngoài ra, cần tăng cường hậu kiểm và phải xem xét lại vấn đề hưởng ưu đãi nhiều nhưng không đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa của một số DN FDI.