2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021
Trên cơ sở cập nhật phương án tăng trưởng 6 tháng năm 2021, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo các quý còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng.
Nếu cơ bản khống chế được Covid-19, tăng trưởng có thể đạt 6,5%
Trên cơ sở số liệu thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
Trên cơ sở cập nhật phương án tăng trưởng 6 tháng năm 2021, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo các quý còn lại.
Kịch bản 1: Dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra đạt 6,0%.
Với kịch bản 1, ước tính GDP năm 2021 tăng 6,0% so với năm trước (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01), trong đó quý III tăng 6,2% (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm); quý IV tăng 6,5% (thấp hơn 0,2 điểm phần trăm).
Kịch bản 2: Dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết 01/NQ-CP đạt 6,5%.
Với kịch bản 2, ước tính GDP năm 2021 tăng 6,5% so với năm trước, trong đó quý III tăng 7% (cao hơn 0,3 điểm phần trăm); quý IV tăng 7,5% (cao hơn 0,8 điểm phần trăm Nghị quyết 01).
9 nhiệm vụ lớn cần thực hiện trong những tháng cuối năm
Trên cơ sở Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ. Bộ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung của Báo cáo và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện 09 nội dung.
Thứ nhất, về phòng, chống dịch bệnh. Trong ngắn hạn, quyết liệt đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Nghiên cứu ban đầu cho thấy hiệu quả của việc tiêm chủng, giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong của người đã tiêm đủ vắc-xin tại Israel có thể thấp hơn hoặc tương đương với bệnh cúm thông thường, lần lượt là 3 phần triệu và 1 phần triệu người. Tổ chức, ứng dụng công nghệ truy vết, xét nghiệm nhanh, thu hẹp dần các điểm phong tỏa, thí điểm các phương án cách ly tại nhà, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Trong dài hạn, cần xây dựng chiến lược tiêm vắc-xin dài hạn và cơ chế thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tự sản xuất vắc-xin. Tập trung phát triển các công cụ xét nghiệm nhanh, xây dựng tiêu chí, điều kiện để người dân tự xét nghiệm và cách ly tại nhà. Thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau kết quả tiêm vắc-xin; có lộ trình nới lỏng dần các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa nền kinh tế.
Thứ hai, về định hướng điều hành kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; tăng cường công tác truyền thông, công khai, minh bạch thông tin để hạn chế kỳ vọng lạm phát trong những tháng cuối năm; xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và 2022; căn cứ kết quả triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, nghiên cứu thể chế hóa các quy định về xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả trong nước và quốc tế, nhất là biến động giá của các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng; kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ bình ổn giá cả, đặc biệt là chính sách thuế xuất nhập khẩu.
Thứ ba, về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, khẩn trương xây dựng chính sách kích cầu đối với hoạt động du lịch, lữ hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, bao gồm các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chủ động xúc tiến đầu tư từ các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp thu hút đầu tư đặc biệt.
Thứ tư, tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng thực thi ngay các giải pháp về áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành và áp dụng tối đa phương pháp quản lý rủi ro.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Tổ công tác gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu công-ten-nơ; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đánh giá tác động của chi phí vận tải, thương mại, phương thức vận chuyển…tới giá thành nguyên nhiên vật liệu và chuỗi hàng hóa xuất, nhập khẩu có ảnh hướng lớn đến sản xuất, kinh doanh trong nước; đề xuất giải pháp trước mắt và căn cơ để hạn chế tác động, giảm chi chí, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ năm, về giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện đầy đủ các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 của Chính phủ.
Thứ sáu, chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương quán triệt, thực hiện Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; tổng kết bài học kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả; rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn đê điều, hồ đập, bảo đảm tính mạng, tài sản người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai; bảo đảm cung cấp các thông tin dự báo liên tục, kịp thời, có độ tin cậy cao và gắn liền với hướng dẫn hành động cụ thể phục vụ cho công tác ứng phó thiên tai; đẩy nhanh thực hiện việc phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản điều tiết lũ đối với các công trình thủy điện, hồ thủy lợi.
Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; khẩn trương xây dựng, hoàn thành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam và Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Thứ tám, về xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/12/2022;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Chính phủ cho phép sử dụng kinh phí sự nghiệp để thực hiện lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt và công bố quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, bố trí dự toán và hướng dẫn các thủ tục cụ thể.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi thực hiện xây dựng quy định pháp luật phải bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Quy hoạch.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi điều chỉnh các nội dung trong quy hoạch thực hiện theo pháp luật về quy hoạch.
Thứ chín, trình Chính phủ xem xét cho phép gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để bổ sung, cập nhật số liệu 6 tháng năm 2021 đối với Báo cáo số 182/BC-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/6/2021 để gửi báo cáo Quốc hội.