Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán duy trì đà tăng trưởng tích cực
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020. 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68%.
Tăng trưởng tín dụng cao hơn gấp đôi cùng kỳ, lãi suất duy trì ổn định
Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Tính đến thời điểm này, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%, tăng hơn gấp đôi so với mức tăng 2,45% cùng thời điểm năm 2020.
So với thời điểm cuối năm 2020, lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2021 tương đối ổn định sau khi giảm mạnh trong năm 2020. Lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1% - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0% - 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6% - 6,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; cho vay bằng đô la Mỹ bình quân ở mức 3,0%-6,0%/năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh.
Hoạt động bảo hiểm tăng trưởng tích cực
Trong bối cảnh làn song dịch Covid-19 quay trở lại và có diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68%.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 11%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%. Các doanh nghiệp Bảo hiểm nhân thọ đã nỗ lực giới thiệu những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến nhằm giúp khách hàng bảo vệ sức khỏe và quản lý tài sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm ngày càng tăng.
Tính đến hết tháng 5/2021, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước tính đạt 512,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm đạt 628,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2%.
Thị trường chứng khoán còn nhiều động lực thăng hoa
Liên quan hoạt động của thị trường chứng khoán, cùng với xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường Việt Nam có nhiều dấu hiệu phục hồi tăng trưởng nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tính đến hết tháng Năm, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng tài khoản giao dịch đăng ký mới trên thị trường chứng khoán lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 482,8 nghìn tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường cổ phiếu, tại thời điểm ngày 20/6/2021, chỉ số VNIndex đạt 1.377,8 điểm, tăng 3,7% so với cuối tháng trước và tăng 24,8% so với cuối năm trước; mức vốn hóa thị trường đạt 6.699,5 nghìn tỷ đồng, tăng 64,5% so với cùng thời điểm năm trước. Tính đến 14h ngày 28/6/2021, chỉ số VNIndex đạt 1.403,5 điểm, tăng 5,7% so với cuối tháng trước và tăng 27,2% so với cuối năm 2020.
Giá trị giao dịch bình quân trong tháng Sáu (tính đến ngày 20/6) đạt 32.013 tỷ đồng/phiên, tăng 265,3% so với cùng kỳ năm 2020; tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường đạt 22.428 tỷ đồng/phiên, tăng 302,3%. Tính đến cuối tháng 5/2021, thị trường có 758 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 922 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt gần 1.564 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020.
Trên thị trường trái phiếu, tính đến cuối tháng 5/2021 có 456 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.381 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường đến 20/6/2021 đạt 11.434 tỷ đồng/phiên, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.622 tỷ đồng/phiên, tăng 17,2%.
Trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh và các sản phẩm khác, quy mô giao dịch bình quân đến ngày 20/6/2021 đạt 34.121 tỷ đồng/phiên, tăng 137,8% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%; số lượng tài khoản giao dịch phái sinh (tính đến tháng 5/2021) đạt 330.2 nghìn tài khoản, tăng 182,4%. Tính đến tháng 5/2021, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 20.881 triệu cổ phiếu, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; 632 triệu trái phiếu, tăng 0,9%; 1.076, các loại chứng khoán khác bao gồm chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm, chứng khoán phái sinh tăng 89,4%.
Lý giải về đà tăng trưởng mạnh mẽ duy trì liên tục từ nửa cuối năm ngoái cho đến 6 tháng đầu năm nay, tại cuộc tọa đàm "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng nay 29/6 , TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho rằng nhờ dòng tiền mạnh đổ vào thị trường nên đã tạo ra hiệu ứng tích, duy trì nguồn động năng cho tăng trưởng tích của của thị thường. Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất ổn định, khá thấp, tín hiệu này sẽ còn kéo dài trong một vài năm nữa với kỳ vọng lãi suất thấp tiếp tục được NHNN duy trì và đi vào các khu vực của thị trường gồm cả chứng khoán.
Ngoài ra, dòng vốn rẻ chưa quay lại tập trung cho sản xuất kinh doanh nhỏ nên chuyển vào thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản trong bối cảnh có sự luân chuyển giao thoa. Dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác tạm thời đưa vào chứng khoán tạo hiệu ứng tăng cho thị trường chứng khoán. Cùng với xu hướng lãi suất dự báo tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp từ nay đến cuối năm, TS Nguyễn Sơn cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp đà thăng hoa. “Sự tăng trưởng này là tích cực, hoàn toàn phù hợp mục tiêu kép Việt Nam đạt được là kiểm soát dịch bệnh, trong vòng 3-4 tháng đầu năm kiểm soát rất tốt. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô và TTCK 6 tháng đầu năm khá thuận lợi, nền kinh tế và thị trường chứng khoán còn dư địa tăng trưởng tích cưc trong cuối năm”, TS. Nguyễn Sơn nhận định.
Đồng tình với dư địa tăng trưởng của TTCK tiếp tục duy trì nhờ dòng tiền dồi dào, song với góc nhận một cách thận trọng hơn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lưu ý cần cẩn trọng với hiện tượng bong bóng chứng khoán để tránh gây rủi ro cho nền kinh tế vốn đang khó khăn. Ông Hiếu dự báo, khi Fed tăng lãi suất, rất có thể NHNN cũng sẽ xem xét tới khả năng này. Do đó yếu tố lãi suất cần được theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh tín hiệu lạm phát tăng bởi hàng loạt giá nguyên liệu đầu vào như sắt thép, xăng dầu đều tăng, từ đó có giải pháp kiểm soát ổn định thị trường, tránh tình trạng giảm giá chứng khoán hàng loạt có thể gây hệ lụy bất ổn tới các nhà đầu tư và dòng tiền vốn đang tập trung mạnh trên thị trường thứ cấp.