2 yếu tố tác động tích cực đến kinh tế thế giới năm 2015
(Tài chính) Sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ và chi phí năng lượng thấp hơn nhiều sẽ có những tác động tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu vào năm 2015.
Ngày 10/12, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế 2015 cho thấy kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới bất chấp những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính, thách thức địa chính trị toàn cầu và đại dịch Ebola ở Tây Phi kìm hãm đà tăng trưởng.
Báo cáo trên cho biết kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 và tăng lên thành 3,3% trong năm 2016. Những con số này đều cao hơn mức tăng trưởng 2,6% của năm nay.
Những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế toàn cầu là khá rõ và nhiều nhà phân tích nhận định sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ cùng với chi phí năng lượng thấp hơn nhiều đang là những yếu tố tác động rất tích cực.
Nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ
Theo số liệu chính thức của Bộ Thương mại Mỹ công bố cuối tháng 11/2014, tăng trưởng GDP quý III/2014 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 3,9%. Trước đó, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 4,6% trong quý II/2014 - mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 2003. Như vậy tính đến quý III, Mỹ ghi nhận 6 tháng tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm qua.
Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tăng mạnh là 2 yếu tố chính hỗ trợ đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ trong quý III. Theo đó, chi tiêu tiêu dùng - đóng góp khoảng 70% vào GDP Mỹ - tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III. Thị trường việc làm cải thiện trong khi giá nhiên liệu giảm thấp là động lực chính thúc đẩy người dân Mỹ chi tiêu nhiều hơn trong quý III.
Báo cáo GDP quý III của Mỹ là một lời khẳng định chắc chắn hơn về đà phục hồi và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo dự báo của giới chuyên gia, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý IV.
Màu sắc tươi sáng của kinh tế Mỹ càng đáng chú ý hơn khi phần còn lại của thế giới đang gặp nhiều trắc trở. Nhật Bản đã rơi vào suy thoái, châu Âu đau đầu với giảm phát và Trung Quốc phải hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Chi phí năng lượng thấp hơn
Các nhà phân tích nhận định việc giá dầu thế giới đang giảm mạnh (tính từ mức đỉnh cao trong tháng 6/2014 tới nay, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã giảm 35%) đã giúp cắt giảm chi phí năng lượng và khuyến khích các nhà sản xuất gia tăng sản lượng. Khi chi phí vận chuyển và lượng tiêu thụ giảm, người tiêu dùng có nhiều tiền hơn cho chi tiêu tiêu dùng, do đó làm tăng cầu.
Biến động giá dầu thô thế giới năm 2014 (USD/thùng)
Nguồn: www.marketwatch.com
|
Giá dầu giảm cũng có nghĩa lạm phát sẽ thấp hơn, tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho tăng trưởng. Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh, về cơ bản, sẽ chuyển “vàng đen” từ các nước xuất khẩu dầu mỏ vốn có xu hướng tiết kiệm cao, sang các quốc gia tiêu thụ dầu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, giúp thúc đẩy nguồn cầu thế giới tăng lên.
Trong một báo cáo gần đây, IMF cho rằng việc giá dầu mỏ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới vốn còn yếu. Cơ quan này cho rằng việc giá dầu giảm sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu. IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 3,8% vào năm tới.