2009, năm lịch sử của vàng

Nguyễn Hữu Tuấn – Viện NCKH Thị trường Giá cả

TCTC Online - Vốn được xem là vịnh tránh bão hàng đầu dành cho giới đầu tư mỗi khi có những nỗi lo lắng đeo đẳng thị trường, giá vàng thế giới thời gian qua liên tục leo thang trước sự suy yếu của đồng USD, thâm hụt ngân sách phình to ở Mỹ, châu Âu và chính sách lãi suất thấp. Lo ngại một bong bóng tài sản mới sẽ hình thành và rốt cục sẽ vỡ tung, giới đầu tư quốc tế đang ồ ạt tìm đến với vàng bởi loại tài sản này được xem là có độ an toàn cao.

Vì sao giá vàng leo thang?

Năm 2009 đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của cả giá vàng thế giới và giá vàng trong nước, đặc biệt là cả hai mức giá này đều đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Từ đầu tháng 9/2009 tới nay, giá vàng đã liên tiếp phá vỡ những mức kỷ lục mới, mà đỉnh cao là mức giá 1.227,50 USD/ounce được thiết lập ngày 2/12 - mức cao nhất mọi thời đại. Giá vàng giao kỳ hạn tăng hơn 30% trong năm nay và hướng tới năm tăng giá thứ 9 liên tiếp.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá kim loại quý lại có thể leo lên ngưỡng cao như vậy trong năm 2009 này?

Thế giới đang 'chạy đua' dự trữ vàng

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vàng đang lôi cuốn cả những ngân hàng và chính phủ các nước. Nhiều quốc gia muốn tăng tỷ lệ vàng trong kho dự trữ của mình, bởi vậy họ sốt sắng thu mua kim loại quý này. Mở màn cho làn sóng đầu tư cấp nhà nước này là Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Ngân hàng này quyết định mua 200 tấn vàng của IMF khi thị trường lên mức cao nhất. Thương vụ này đưa Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tăng thêm 10 bậc trong bảng xếp hạng các ngân hàng dự trữ vàng lớn trên thế giới. Sau đó, IMF đã bán tiếp cho NHTW Mauritius 2 tấn và NHTW Sri Lanka 10 tấn vàng.

Ngay sau đó, Trung Quốc đánh tiếng muốn mua một phần hoặc toàn bộ số vàng mà IMF dự định bán ra. Bắc Kinh không che giấu ý định rằng đến cuối năm, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi lượng dự trữ vàng. Kể từ năm 2003, nước này đã không ngừng tăng lượng dự trữ vàng (lên 76% tính đến tháng 4/2009). Hiện nay, Trung Quốc là nước dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới với 1.054 tấn. Lẽ ra việc bán vàng của IMF làm tăng nguồn cung trên thị trường sẽ khiến giá vàng sụt giảm, nhưng trái lại, động thái này đã thổi bùng tâm lý trọng vàng của các nhà đầu tư.

Theo một cuộc khảo sát độc lập mới đây của Standard Chartered (Anh), đầu tư vàng đang trở nên hấp dẫn các ngân hàng ở Luân Đôn và nhiều nước trên thế giới cũng bị cuốn theo. Giới đầu tư cũng đặc biệt quan tâm đến nguồn dự trữ vàng khi Nga, một trong những nước lớn nhất về sản xuất kim loại quý, quyết định không bán vàng ra thị trường nước ngoài mà chỉ chuyển dự trữ "từ túi này sang túi khác".

Theo thông tin từ Bộ Tài chính Nga, Bộ Tài chính sẽ bán 30 tấn vàng cho Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga. Ngoài ra các thị trường châu Á khác cũng hết sức sôi động, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Thái Lan, Singapore cũng đang có những kế hoạch làm rủng rỉnh kho dự trữ kim loại của mình trước những biến động hiện nay khi vàng là nơi trú ẩn an toàn mỗi khi khủng hoảng diễn ra bởi thứ kim loại quý này có thể thay thế đồng USD đang mất giá.

“Sức khoẻ” của đồng USD

Nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là đồng USD liên tục sụt giảm so với rổ các đồng tiền tệ chủ chốt khác trên thị trường thế giới, đặc biệt EUR có thời điểm đã leo lên tới mức trên 1,51USD do các nhà đầu tư lo ngại khoản nợ khổng lồ của Mỹ trị giá 116.800 tỷ USD. Bức tranh kinh tế không mấy khả quan cùng với lo ngại lạm phát tăng cao dẫn đến khả năng Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất không đổi trong một thời gian khiến cho đồng USD liên tục mất giá so với rổ các đồng tiền tệ chủ chốt trên thị trường thế giới cũng chính là một động lực khiến cho nhu cầu đối với kim loại quý này tăng mạnh.

Như chúng ta đã biết, lãi suất đồng USD thấp đã khiến giới đầu tư chuyển từ các tài sản an toàn như trái phiếu của Mỹ sang các tài sản bằng các đồng tiền khác có lợi nhuận cao hơn. Vàng được giao dịch bằng USD nên nó có xu hướng tăng khi đồng USD giảm giá, khiến vàng lại là một kênh hấp dẫn để thay thế đồng USD yếu.

Những lo ngại về đồng USD không chỉ tiếp tục mà còn có thể tăng càng hỗ trợ cho việc vàng tăng giá. Thâm hụt ngân sách của Mỹ đang tăng, dự kiến vượt 10% GDP vào năm 2010, đã gây lo lắng và làm mất lòng tin của các ngân hàng trung ương các nước và các nhà đầu tư khác đang nắm giữ tài sản bằng đồng USD. Điều này cũng củng cố thêm cho hai nhân tố khác làm tăng giá vàng, là các nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro và sự gia tăng mối lo ngại về lạm phát.

Lực mua vào của các quỹ đầu tư

Giá vàng được đẩy cao thêm nữa do yếu tố đầu cơ và mua vào của các quỹ đầu tư vàng (ETF). Nhìn lại thời kỳ dầu thô tăng lên 147 USD một thùng trong năm 2008, các chuyên gia phân tích thị trường  của  IMF nhận định: ETF bị coi là thủ phạm của việc tăng giá dầu trong năm 2008 và cũng đang đóng vai trò thao túng trên thị trường vàng.

ETF tích cực tung tiền ra mua vàng vào đầu năm 2009, các hợp đồng giao dịch kỳ hạn và khối lượng vàng giao dịch tại các sàn giao dịch thế giới lên cao. Trong khi đó cùng với vòng xoáy suy thoái kinh tế, khi những bất ổn kinh tế chưa có lời giải hữu hiệu thì vàng càng có điều kiện leo thang liên tiếp lập kỷ lục mới. Nghi ngại tình trạng bong bóng tài sản mới sẽ hình thành và rốt cục sẽ vỡ tung, giới đầu tư quốc tế đang ồ ạt tìm đến với vàng bởi loại tài sản này được xem là có độ an toàn cao vào thời điểm hiện tại.

Quỹ đầu tư vàng hoán đổi lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, tiếp tục mua một khối lượng lớn vàng (5,49 tấn) và đưa tổng lượng nắm giữ lên mức 1.129 tấn, tiến sát mốc kỷ lục 1.134,03 tấn đạt được vào ngày 01/06. Như vậy, thị trường vàng hoàn toàn có lý do để khẳng định vị thế độc tôn trong bối cảnh hiện nay. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư có thể an tâm dốc hầu bao để đầu tư vào kim loại quý này.

Diễn biến trên đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư mang tính tổ chức. Quỹ đầu tư Sovereign Wealth cùng các quỹ lớn đang nhận thấy mức tăng về nhu cầu đầu tư vàng từ các tầng lớp trung lưu và họ đang nhảy vào thị trường vàng. Nhu cầu đầu tư vàng tăng mạnh như vậy sẽ khiến vàng đứng ở mức giá cao. Kỳ vọng những người mua sẽ chịu trả giá cao hơn, nhiều người bán đang găm vàng lại không bán ra. Do vậy, các con số dự đoán 1.300 USD/ounce và thậm chí là 5.000 USD/ounce không phải là không có cơ sở.

Lo ngại về lạm phát

Người ta lo ngại, thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng và việc một lượng tiền lớn được bơm vào thị trường tài chính thông qua chính sách "nới lỏng định lượng" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể dẫn đến lạm phát. Bản chất và mức độ nghiêm trọng của lạm phát vẫn đang là vấn đề tranh cãi, nhưng những lo ngại về thị trường đang tăng. Tại nhiều nước khác cũng có lo ngại về lạm phát, nhất là ở những nước mà biện pháp kích thích của chính phủ đã khiến tình hình tài chính công xấu đi và dường như sẽ thổi phồng các bong bóng tài sản.

Vàng cũng dường như được hưởng lợi từ thực tế là nó chưa đắt bằng thời gian đạt đỉnh năm 1980 (850 USD/ounce, tương đương với 2.400 USD/ounce hiện nay), khi điều chỉnh theo lạm phát. Triển vọng không chắc chắn của phục hồi kinh tế toàn cầu cũng hỗ trợ cho giá vàng tăng. Nếu sự phục hồi kinh tế dừng lại hoặc yếu hơn so với dự báo thì sức hấp dẫn của vàng với tư cách là nơi trú ẩn an toàn sẽ tăng lên. Tuy vậy, khi đó sẽ có rất nhiều khả năng diễn ra.

Nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại do các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ bị thu hồi thì nó sẽ dẫn đến thiểu phát liên tục. Khi đó, ở Mỹ, đồng USD sẽ tăng giá nên ham muốn mua vàng sẽ giảm. Một nền kinh tế toàn cầu yếu cũng làm cho nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức - một trong những động lực chính của thị trường vàng, sụt giảm. Ước tính, vàng dùng cho trang sức trong năm 2009 đã giảm khoảng 25%.

Giá vàng thế giới thời gian tới sẽ ra sao?

Tâm lý mua vàng vào đang chiếm ưu thế trên khắp toàn cầu bởi hầu hết nhà đầu tư lớn nhỏ đều kiếm được ít nhất một lý do để nhận định dự trữ vàng không bao giờ thừa.

Tuy nhiên, nhìn vào quá khứ, người ta đang tự hỏi liệu giá vàng có sẽ lại một lần nữa rơi tự do như hai lần từng xảy ra?

Còn nhớ, ngày 21/01/1980, giá vàng tiến lên đỉnh cao nhất của mọi thời đại tính cho đến lúc bấy giờ, nằm tại 850 USD/ounce, gấp gần 4 lần mức 220 USD/ounce của tháng đầu năm 1979. Nguyên nhân vàng tăng giá mạnh mẽ trong năm 1980 là do trong thập niên 70, nước Mỹ đã trải qua một giai đoạn lạm phát đình đốn, tức lạm phát cao mà thất nghiệp vẫn tăng và kinh tế thì đi xuống. Vì thế, nhu cầu về vàng lúc đó tăng cao do vàng được coi là một kênh đầu tư an toàn.

Thêm vào đó, sự kiện Tổng thống Nixon loại bỏ bản vị vàng vào năm 1971, tạo ra một lực đẩy tích lũy trong suốt thập niên 1970. Ngoài ra, những xung đột vũ trang giữa Afghanistan và Liên Xô (cũ) thời đó đã góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư nhảy vào thị trường vàng. Từ đỉnh cao 850 USD/ounce, giá vàng sau đó đã chìm sâu xuống mức 250 USD/ounce, bất chấp lạm phát vẫn đang từng bước lộ diện, bởi sau một khoảng thời gian ngắn giá lên quá cao, dường như lúc đó người ta cho rằng quả bong bóng vàng đã được bơm quá căng. Thêm vào đó là nỗi lo sợ về nguồn cung tín dụng sụp đổ. Vì thế, các nhà đầu tư đã từng bước rời khỏi thị trường.

Ngày 17/03/2008, giá vàng một lần nữa có được mức đỉnh cao nhất tính cho đến lúc đó: 1.033,9 USD/ounce. Cuộc khủng hoảng kinh tế được châm ngòi từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ đã khiến giới đầu tư hết sức lo lắng, và họ muốn tìm đến một loại tài sản an toàn để trú ẩn. Nhưng rồi chỉ vài tháng sau đó, vàng đã có lúc rớt về mức 812 USD/ounce vào ngày 26/11/2008, dù cuộc khủng hoảng tài chính vẫn đang có dấu hiệu ngày càng trầm trọng thêm.

Nguyên nhân là do vàng đã tăng quá nhanh và bất thường, thiếu tính bền vững, khi lần lượt vượt qua các mức cản tâm lý vô cùng quan trọng là 800, 900 và 1.000 USD/ounce. Thêm vào đó, với đặc tính tương quan tỷ lệ thuận với giá dầu, thì khi giá của năng lượng này giảm một mạch từ mức kỷ lục 147 USD/thùng xuống dưới 67 USD/thùng, giá vàng ắt cũng phải xuống theo.

Còn lần này, sự tăng lên của vàng ngoài những nguyên nhân từ dự đoán về lạm phát, đồng USD mất giá, thì phần lớn là do ngân hàng trung ương các nước bắt đầu thu mua vàng với quy mô lớn. Vậy giá vàng sẽ đi theo hướng nào?

Theo dự báo của giới phân tích, giá mặt hàng kim loại quý này sẽ còn tiếp tục tăng do giới đầu tư trở lại với vàng sau khi đồng USD mất đà lên giá cùng sự bất ổn của TTCK Mỹ, trong khi dầu thô lại trên đà tăng khiến nỗi lo ngại lạm phát lại nhen nhóm. Những phân tích cũng cho rằng vàng sẽ được tín nhiệm trong một thời gian dài nữa vì giới đầu tư vẫn chưa hết bi quan về triển vọng hồi phục kinh tế của Mỹ.

Các hợp đồng giao vàng vẫn được ký tới tấp và giới đầu tư tiếp tục bán USD để mua vàng. Các nhà kinh tế nhận định, vàng sẽ còn được mua vào nhiều hơn nữa và đà tăng giá hiện nay có thể kéo dài thêm một thời gian. Tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý này tăng khoảng trên 30%.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, hiện mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ đầu cơ vàng và thứ kim loại này đang trở thành mục tiêu của hoạt động đầu tư dài hạn. Phân tích dưới đây có thể xem như một thông tin tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm tới thị trường vàng. Trong những tháng cuối năm 2009, tốc độ phục hồi kinh tế tại Mỹ chưa rõ ràng và triển vọng của đồng USD không sáng sủa, những lo ngại về sự trượt giá tiền giấy, lạm phát và giá vàng tăng mạnh đã trở thành những yếu tố cơ bản làm tăng tính hấp dẫn của vàng trên thị trường chính thức.

Các ngân hàng trung ương (NHTW) và quỹ quốc gia đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa dự trữ theo hướng tăng mua vàng, góp phần lôi cuốn sự quan tâm của nhà đầu tư và đầu tư tư nhân, dường như đang trở thành động lực dẫn dắt thị trường vàng. Chính nhóm này đã bán ròng trong 2 thập kỷ qua, khi các chính phủ bán hạ giá do vàng tỏ ra không có ích đối với ngân sách. Mục tiêu lâu dài của các NHTW là đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, trong khi lượng vàng trên thế giới hạn hẹp và vàng chỉ là thị trường nhỏ, giá vàng trong tháng 11/2009 đã tăng 15% và đạt trên 1.200 USD/ounce vào ngày 02/12/2009.

Vì thế, một thay đổi nhỏ của giá vàng cũng tạo ra động lực thay đổi mạnh mẽ trên thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự 1.200 USD/ounce và lên tới 1.225 USD/ounce đã làm dấy lên lo ngại là thị trường này đã tăng quá mức và quá nhanh, gây ra tác động tâm lý về khả năng có những đợt điều chỉnh giảm giá vàng, nếu có tăng thì cũng dè dặt.

Những lo ngại và kỳ vọng hiện nay về khả năng điều chỉnh giá vàng không phải là không có cơ sở vì chỉ cần một NHTW lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản tăng lãi suất là giá vàng giảm ngay, mặc dù chỉ gây tác động ngắn hạn, nghĩa là phải có một thay đổi mạnh nào đó như tăng lãi suất bền vững mới có thể chấm dứt được chu kỳ đầu cơ.

Tiếp theo là lo ngại tâm lý sau khủng hoảng nợ Dubai về rủi ro tín dụng tại Cộng đồng Các Tiểu vương quốc Ả Rập và các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông, một lượng vàng khá lớn sẽ được tung ra thị trường để thanh toán những khoản nợ đến hạn.

Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp đang tập trung hàng hóa cho mùa Giáng sinh và tết mừng năm mới hầu như không dùng vàng làm phương tiện thanh toán; sau đó, các doanh nghiệp sẽ nghỉ đầu năm và nghe ngóng kết quả kinh tế năm 2009 và triển vọng 2010. Như vậy, giá vàng có thể sẽ lên xuống dựa theo thông tin về các giao dịch giao sau và hợp đồng quyền chọn, nhưng nếu giá vàng giảm sâu thì giới đầu tư tư nhân sẽ tranh thủ mua vào.

Dự báo giá vàng của 34 tổ chức tài chính lớn trên thế giới cho thấy, đa số các tổ chức dự báo giá vàng năm 2010 dao động trong khoảng 1100 đến 1300 USD, chỉ có 5 tổ chức dự báo giá vàng  ở mức dưới 1100 USD, 2 tổ chức dự báo giá vàng trên 1300 USD.

Giá vàng trong nước tiếp đà tăng mạnh của thế giới

Kinh nghiệm dân gian về chu kỳ tháng 10 bán vàng, tháng 3 mua vàng trước đây mỗi khi tham gia đầu tư vàng, nay trở thành vô dụng trước sự nhảy múa của giá vàng thời gian qua.

Đỉnh điểm của cơn sốt giá vàng trong nước là vào trưa ngày 11/11, khi giá vàng trong nước tăng chóng mặt lên 29,3 triệu đồng/lượng. Trong thời gian giá vàng trong nước tăng như vũ bão, bỏ qua mọi diễn biến của giá vàng thế giới (giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 4-5 triệu đồng/lượng), các nhà kinh doanh vàng khẳng định, sự mất cân đối cung - cầu vàng do đầu nhập khẩu bị thắt là lý do khiến giá vàng trong nước leo thang mạnh. Từ giữa năm 2008 tới nay, Chính phủ đã ngừng cấp phép nhập khẩu kim loại quý này để đảm bảo cân đối vĩ mô.

Để hạ nhiệt giá vàng, ngay trưa ngày 11/11, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã tuyên bố cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu vàng trở lại để hạ nhiệt giá vàng trong nước Mặc dù vậy giá vàng tại Việt Nam vẫn nhích lên từng ngày theo sự leo thang của giá thế giới. Bước sang những ngày cuối tháng 11/2009 (ngày 26/11), vàng tái lập kỷ lục 29,10 triệu đồng/lượng..

Việc giá vàng trong nước đã lên cơn sốt, leo lên tới 29,3 triệu đồng mỗi lượng và bỏ lại khoảng cách khá xa so với giá vàng quốc tế trong thời gian qua là do một số nguyên nhân:

Trước hết là do từ tháng 5/2008 đến ngày 11/11/2009, các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam không được nhập khẩu, nên giá trong nước luôn cao hơn so với giá quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam là thị trường vàng vật chất nên giá trong nước thường cao hơn so với giá vàng trên tài khoản.

Thứ ba là do tâm lý đầu tư theo đám đông của các nhà đầu tư, khiến người ta đổ xô mua vàng. Ngoài ra, cũng có thể kể đến một số ít người đã vay vàng để bán ở mức giá 25 triệu đồng/lượng với kỳ vọng giá xuống rồi mua vào trả nợ. Tuy nhiên, giá vàng đã không ngoan ngoãn chạy theo kỳ vọng của các nhà đầu cơ giá xuống này và liên tục tăng cao, buộc họ phải mua vàng để trả nợ một phần là vì khoản vay đã đáo hạn hoặc sợ giá vàng sẽ tăng cao hơn nữa.

Thứ tư, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh cũng đã đẩy giá vàng trong nước tăng cao.

Thứ năm, do các nhà đầu tư thiếu thông tin và xử lý thông tin chưa chuẩn xác về thị trường vàng. Đồng thời cũng do thị trường vàng Việt Nam không được liên thông với thị trường vàng quốc tế trong thời gian quá dài vì chúng ta phải thực hiện chính sách giảm nhập siêu.

Thứ sáu, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản còn phập phù khiến người dân và nhiều nhà đầu tư, giới quan sát lo ngại chứ không riêng gì Chính phủ.

Chính vì vậy, với sức lôi cuốn mê người, vàng hoàn toàn có lý do để khẳng định vị thế độc tôn trong bối cảnh hiện nay.