2012-2013: Hơn 1.000 gói thầu điện tử được thực hiện thành công
(Tài chính) Đây là một con số đáng tự hào của công tác đấu thầu qua mạng. Bởi, chỉ trong 2 năm 2012-2013, các cơ quan thí điểm và các đơn vị khác trong cả nước đã thực hiện thành công hơn 1.000 gói thầu điện tử. Trong khi đó, giai đoạn 2009-2011, chỉ mới 55 gói thầu được thực hiện thành công.
Những con số này được công bố tại Hội nghị tổng kết thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn hai (năm 2012, 2013) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/02/2014.
Tăng trưởng nhanh chóng
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Tăng cho biết, giai đoạn năm 2011- 2013, số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 20 lần.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, theo thống kê trên hệ thống thì số lượng người dùng (nhà thầu, bên mời thầu, người dùng đăng ký) trong giai đoạn 2012-2013 đã tăng vọt so với giai đoạn 2009-2011, với tổng số lượng người đăng ký tăng 500%. Trong đó: số lượng Nhà thầu đăng ký tham gia sử dụng tăng 650%; số lượng Bên mời thầu tăng 460%.
Nhờ đó, việc sử dụng Hệ thống để đăng tải thông tin đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng có những bước tăng trưởng vượt bậc, với số gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tăng gần 20 lần, số thông báo mời thầu và kế hoạch đấu thầu được đăng tải tăng tương ứng gần 3 lần và 11 lần.
Trong 2 năm 2012-2013, toàn bộ các hoạt động như đăng tải kế hoạch đấu thầu, đăng tải thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, thông báo kết quả đánh giá… đều được thực hiện trên hệ thống, đăng tải được hơn 9.200 kế hoạch đấu thầu, hơn 57.000 thông báo mời thầu. Số lượng ngày dùng đăng ký sử dụng hệ thống là hơn 7.400 bên mời thầu và hơn 2.600 nhà thầu.
Có được sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, theo ông Nguyễn Sơn là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt nhiều giải pháp, nhất là thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo về đấu thầu qua mạng.
Chỉ trong 2 năm (2012-2013), hơn 60 khóa tập huấn, đào tạo về đấu thầu qua mạng đã được tổ chức cho các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu tại các bộ, ngành, địa phương trên khắp cả nước, với hơn 4.000 lượt cán bộ thuộc hơn 30 bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tham gia.
Nhờ vậy, tỷ lệ cơ quan biết về đấu thầu qua mạng và Thông tư số 17/2010/TT-BKH quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng là 98,8% và tỷ lệ cơ quan biết về Hệ thống đấu thầu điện tử đạt 98%.
Song, vẫn còn nhiều vướng mắc
Bên mặt những thành công, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu qua mạng vẫn phải thừa nhận rằng, trong quá trình thí điểm, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể:
Về mặt pháp lý: Các đơn vị triển khai có tâm lý lo ngại khi giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra về quy trình đấu thầu qua mạng. Giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử cũng như chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ, chưa được quy định cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật, còn thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thanh toán, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
“Ngoài ra, cần có văn bản pháp lý quy định chi tiết việc áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng theo quy mô gói thầu; nguồn vốn; ngành; lĩnh vực…. để tạo thuận tiện áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng”, ông Sơn chỉ rõ.
Hơn nữa, trong Thông tư 17/2010 chỉ “khuyến khích” các đơn vị không nằm trong diện thí điểm thực hiện đấu thầu qua mạng, nên tâm lý nhiều đơn vị chưa chuẩn bị để làm.
Về mặt cơ sở hạ tầng: Hiện tại, Hệ thống đấu thầu qua mạng tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn chỉ hỗ trợ trình duyệt là IE phiên bản từ 6-10, nhưng chưa hỗ trợ đầy đủ trình duyệt IE phiên bản 11 mới nhất và không hỗ trợ các trình duyệt khác; dung lượng hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu tối đa cho phép gửi là 20Mb, nên chưa đáp ứng được các gói thầu có lượng hồ sơ lớn.
“Cơ sở hạ tầng và trình độ, kiến thức về công nghệ thông tin của một số đơn vị tham gia còn hạn chế dẫn đến e ngại khi làm quen với hệ thống công nghệ thông tin mới. Ngoài ra, Hệ thống đôi khi vẫn xảy ra lỗi, chưa đáp ứng được yếu tố thông suốt 24/7”, ông Sơn thẳng thắn.
Về mặt tuyên truyền, đào tạo: Vẫn còn nhiều đơn vị chưa được đào tạo đấu thầu qua mạng, nên việc tham gia sử dụng vào Hệ thống (đặc biệt là nhà thầu) vẫn còn hạn chế.
“Nhìn chung, nhận thức của người sử dụng, đặc biệt là Chủ đầu tư/Bên mời thầu còn chưa cao, chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng về đấu thầu qua mạng dẫn đến tâm lý e ngại, chưa muốn thay đổi và áp dụng đấu thầu qua mạng”, đại diện cơ quan quản lý về đăng ký đầu thầu qua mạng tổng kết.
Cần triển khai rộng rãi hơn nữa
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện đơn vị thí điểm đấu thầu qua mạng là Tập đoàn điện lực, Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam cũng đều cho rằng, mặc dù còn có một số hạn chế cần khắc phục song đấu thầu qua mạng đã tạo ra được độ chính xác thông tin, tính công khai, minh bạch cao của doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần tiết kiệm các loại chi phí rất lớn trong quá trình triển khai đấu thầu. Các đơn vị này đề nghị Cục Quản lý đấu thầu cần mạnh dạn triển khai rộng rãi các gói thầu, tới nhiều đơn vị khác trên toàn quốc.
Nhấn mạnh rằng, trong hai năm 2012-2013, số lượng nhà thầu đăng ký tham gia sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn cũng tăng 650%, số lượng bên mời thầu tăng 460%, ông Tăng cho biết, đấu thầu điện tử góp phần tiết kiệm rất lớn vì giảm thiểu chi phí đi lại, in ấn, cũng như hạn chế tiêu cực.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết thêm, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Singapore, Australia…, đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm được từ 3-20% giá gói thầu và trung bình là 10%.
Tại Việt Nam, đấu thầu theo hình thức thông thường chỉ tiết kiệm khoảng 1% giá trị gói thầu. Nếu áp dụng đấu thầu qua mạng, lượng tiết kiệm sẽ rất lớn khi tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng khoảng trên 20 tỷ USD.