2018 là năm của cải cách điều kiện kinh doanh
Đây là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Trình bày Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2018 tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét: "Năm 2018 là một năm hừng hực khí thế cải cách nhờ "sức nóng" từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp".
Theo đó, ngay từ đầu năm 2018, các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Nghị quyết 19 về cắt giảm điều kiện kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các Bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tỷ lệ đề xuất hầu hết đều trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để hiện thực hóa.
"Đến hết tháng 11/2018, đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành. Ngoại trừ Bộ công an không có đề xuất sửa đổi" - ông Tuấn cho hay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, điểm rất đáng ghi nhận ở đợt rà soát lần này là những chuyển động tích cực trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Nhờ đó, hàng trăm điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hoá trong năm 2018, giúp môi trường kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực được cải thiện đáng kể.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cũng nhận định: Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành đã giúp doanh nghiệp bớt đi hàng nghìn thủ tục hành chính với những chi phí không cần thiết. Phương thức thực hiện các thủ tục hành chính cũng đã được cải tiến mạnh, nhất là việc áp dụng thủ tục điện tử, tạo cơ chế một cửa, đơn giản hóa tài liệu, hồ sơ, đổi mới về tư duy quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm...
Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Tiến Lộc và ông Đậu Anh Tuấn, vấn đề đặt ra là chất lượng cắt giảm vẫn khiến doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn.
Ông Lộc cho rằng, nhiều quy định cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bản chất gần như không thay đổi. Hệ thống pháp luật ban hành năm 2018 vẫn chứa đựng nhiều quy định, thủ tục bất hợp lý, chồng chéo giữa các bộ, ngành, đôi lúc đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế rất khó khăn khi thực thi. Có quy định tại luật này thì đúng, theo luật khác lại sai, ở địa phương hay bộ này diễn giải là đúng, ở chỗ khác diễn giải lại là sai. Điều này đã khiến cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu tính minh bạch.
Trong khi đó, ông Tuấn nhấn mạnh: "Một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác, và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp".
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành hiện mới dừng lại ở sự nỗ lực có rào cản thì phải cắt bỏ. Phạm vi cải cách, cắt giảm còn rất nhỏ, đằng sau các qui định đã cắt giảm vẫn còn vô số các quy định không cần thiết khác ràng buộc doanh nghiệp, cần phải bãi bỏ hoàn toàn.
Để tháo gỡ điểm nghẽn cản trở, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong năm 2019, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét cho thực hiện tổng rà soát các qui định trong hệ thống pháp luật kinh doanh, từ đó xây dựng các văn bản luật theo hướng dùng một luật sửa nhiều luật để tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.