Cắt giảm, đơn giản hóa 117 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành Tài chính
Cùng với việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, việc cắt giảm và đơn giản hoá 117 điều kiện kinh doanh là động thái quyết liệt của ngành Tài chính trong nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây chính là điểm nhấn tại Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Cắt giảm và đơn giản hoá mạnh mẽ điều kiện kinh doanh
Theo thống kê của Bộ Tài chính, Nghị định cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng 117 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Cụ thể, trong lĩnh vực kế toán, cắt giảm 3 điều kiện đối với việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới. Đối với kinh doanh dịch vụ kiểm toán, cắt giảm 10 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện, trong đó, đã bỏ điều kiện người đại diện phần vốn góp của tổ chức tại Công ty TNHH kiểm toán phải là kiểm toán viên hành nghề khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; cắt giảm một số điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tương tự như đối với lĩnh vực kế toán.
Trong lĩnh vực kinh doanh xổ số, cắt giảm 4 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện, trong đó đã bãi bỏ các quy định về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức quản lý, tiêu chuẩn của người quản lý doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, cắt giảm 4 điều kiện về an ninh, trật tự, thời gian lưu trữ hình ảnh, điều kiện về người quản lý điều hành, điều kiện về phương án kinh doanh.
Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 5 điều kiện, theo đó bãi bỏ điều kiện, thủ tục có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có văn bản cam kết thực hiện các quy trình nghiệp vụ; bỏ yêu cầu về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch nhân sự; cắt giảm điều kiện, tiêu chuẩn trở thành Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm, chuyên viên phân tích.
Trong lĩnh vực kinh doanh casino, cắt giảm 1 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện, trong đó bỏ quy định trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh casino, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự; đơn giản điều kiện về người quản lý, điều hành.
Đối với kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 4 điều kiện về phương án đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh, cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, cam kết về việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, Nghị định đơn giản hóa 2 điều kiện, gồm điều kiện doanh nghiệp không bị kiểm soát đặc biệt và điều kiện doanh nghiệp có dự kiến doanh thu, chi phí trong phương án kinh doanh.
Về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cắt giảm 19 điều kiện, đơn giản hóa 7 điều kiện. Đối với tổ chức Việt Nam thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, bãi bỏ điều kiện là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bãi bỏ điều kiện ban đầu mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng (như được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đóng trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động).
Về lĩnh vực thẩm định giá, đơn giản hóa 2 điều kiện về tỷ lệ vốn góp của tổ chức trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện liên quan đến việc thành lập và hoạt động công ty chứng khoán; điều kiện bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán; điều kiện công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày; điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán (từ 100 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng)...
Tạo thuận lợi tối đa
Mới đây, trả lời báo chí về công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh song song với các hoạt động cải cách thủ tục hành chính đã góp phần giảm thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chỉ số nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện được thứ bậc xếp hạng.
Điều này đã được cộng đồng người dân và doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao, thể hiện qua việc Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2017) và là bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2018).
Quyết liệt rà soát, triển khai, đảm bảo tính đồng bộ
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong thời gian tới, triển khai Nghị định số 151/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát các quy định về hồ sơ, thủ tục có liên quan để sửa đổi, bãi bỏ ngay tại Nghị định, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện được ngay.
Đồng thời, ngành Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp tăng cường chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
“Ngành Tài chính quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách tài chính công theo hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần đảm bảo an ninh tài chính; Chủ động triển khai, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.