2020: VN-Index lạc quan trong thận trọng
VN-Index kết thúc năm qua với mức tăng khiêm tốn (khoảng 7%) và những ngày cuối cùng của năm đã không thể chinh phục cột mốc 1.000 điểm như bao người kỳ vọng...
Một năm ổn định
Thanh khoản trên thị trường cũng sụt giảm đáng kể 29% khi chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên. Dù vậy, giá trị vốn hóa toàn thị trường lại có bước nhảy vọt đáng kể khi tăng 10,7% (lên hơn 4,38 triệu tỷ đồng) nhờ nhiều cổ phiếu lớn được niêm yết.
Trái ngược với cổ phiếu, kênh trái phiếu đã có một năm thịnh vượng khi dòng vốn đầu tư có xu thế dịch chuyển vào các tài sản có suất sinh lợi ổn định và an toàn. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tính đến hết tháng 11/2019, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 237.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD), cao hơn 5,8% so với cả năm 2018.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng lên khoảng 10,26% GDP. Các nhà phát hành trái phiếu tích cực nhất trong năm qua là các công ty bất động sản, tài chính - ngân hàng và đồng thời chứng kiến sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư cá nhân.
Dù VN-Index có một năm khá bình lặng nhưng thị trường tài chính tiếp tục chứng kiến nhiều các thương vụ M&A lớn khi các doanh nghiệp chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh 10 năm tới. Đơn cử như thương vụ chuyển nhượng 15% cổ phần cho KEB Hana Bank của BIDV, Masan sáp nhập mảng bán lẻ của Vingroup, Vinamilk thâu tóm 75% cổ phần của đơn vị sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu là GTNFoods hay nhà bán lẻ trong nước Saigon Co.op thâu tóm toàn bộ chuỗi siêu thị Pháp Auchan. Sự sôi động của thị trường M&A là chất xúc tác tích cực hỗ trợ cho VN-Index trong thời gian tới.
Nền tảng cho thị trường chứng khoán tiếp tục được gia cố vững chắc hơn với Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua hay chứng quyền chính thức đưa vào giao dịch và bước đầu ghi nhận sự quan tâm tích cực từ các nhà đầu tư.
Cơ hội tăng tốc
Sau giai đoạn ổn định, thị trường đang tích tụ năng lượng để có thể tăng tốc trong năm 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, cơ hội này khả thi khi Việt Nam là một trong số các điểm sáng kinh tế hiếm hoi tại châu Á.
Quỹ Vina Capital dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức 6,7 - 6,9%, với sản xuất và tiêu dùng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Bối cảnh chứng khoán toàn cầu sẽ thuận lợi hơn nhờ Mỹ và các quốc gia đang gia tăng các động thái cắt giảm lãi suất sẽ mang tới tin vui cho các thị trường chứng khoán mới nổi.
“Nhìn chung, VN-Index có thể tăng trưởng 15-20% trong năm 2020”, báo cáo của Vina Capital nhận định. Về phần mình, Ngân hàng đầu tư toàn cầu JPMorgan Chase cho rằng, Việt Nam có thể lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2021, đồng thời chỉ số VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm năm 2020.
Vậy các lĩnh vực nào sẽ có cơ hội đón nhận được dòng vốn đầu tư sôi động nhất trong năm 2020? Các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục đà phục hồi khi lợi nhuận các ngân hàng niêm yết dự kiến sẽ tăng 23% trong năm 2020. Các yếu tố hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng sẽ là mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống kỳ vọng tăng tương đương với năm 2019 (khoảng 13-14%), trong đó các mã cổ phiếu như MBB, VCB, VPG tiếp tục là các cổ phiếu nhận được nhiều đánh giá cao.
Thị trường bán lẻ có thể sẽ tiếp tục đà khởi sắc khi phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng gia tăng. “Với lĩnh vực bán lẻ, tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 tiếp tục được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và sự dịch chuyển của các cửa hàng bán lẻ nhỏ sang các chuỗi quy mô lớn”, Vina Capital nhận định.
Các cổ phiếu ngành hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng, công nghệ cũng có cơ hội tăng trưởng lạc quan. Ngược lại, nhóm ngành bất động sản có thể sẽ ảm đạm hơn khi số lượng các dự án mở bán trong 2020 được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Trong khi đó, các lĩnh vực hướng tới xuất khẩu như thủy sản, dệt may, sắt thép có thể sẽ gặp khó khăn khi làn sóng bảo hộ chưa có dấu hiệu dừng lại tại các thị trường lớn.
“Năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm đề cao chiến lược đầu tư chọn lọc từ dưới lên. Các công ty có hoạt động kinh doanh gắn liền với tăng trưởng từ tiêu dùng trong nước và đầu tư cơ sở hạ tầng là những công ty mà các nhà đầu tư có thể xem xét. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lợi tức cổ tức cao sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư e ngại rủi ro”, Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định.