2023, năm của những thương vụ M&A đình đám ngành y dược


Năm 2023 chứng kiến rất nhiều thương vụ M&A lớn ngành y dược, với hai bệnh viện quốc tế về tay chủ ngoại và làn sóng FDI thâu tóm, tăng hiện diện tại các công ty dược.

Bệnh viện FV "về tay" tập đoàn Singapore là thương vụ M&A lớn nhất ngành y dược 2023. Ảnh: FV
Bệnh viện FV "về tay" tập đoàn Singapore là thương vụ M&A lớn nhất ngành y dược 2023. Ảnh: FV

2 bệnh viện lớn về tay "chủ ngoại"

Hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn với sự đổ bộ của hàng loạt tập đoàn quốc tế thời gian qua cho thấy, tiềm năng phát triển của lĩnh vực y tế tại thị trường Việt Nam. Theo thống kê, du lịch y tế tại Việt Nam có quy mô khoảng 2 tỷ USD với hơn 300.000 lượt khách quốc tế mỗi năm đến thăm khám và điều trị.

Thương vụ M&A lớn nhất ngành y dược năm 2023 thuộc về cuộc thâu tóm Bệnh viện FV của Thomson Medical Group (TMG), tập đoàn có trụ sở ở Singapore. Đây cũng là thương vụ mua lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020.

Giá trị thương vụ lên đến 381 triệu USD, bao gồm 359,6 triệu USD trả trước và 21,8 triệu USD khác nếu Bệnh viện FV đạt được các mốc hiệu suất nhất định. TMG sẽ tài trợ cho thương vụ bằng nguồn nội lực cũng như nợ vay.

"Thỏa thuận nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của ngành chăm sóc sức khỏe đang phát triển của Việt Nam" công ty niêm yết tại Singapore cho biết trong một thông cáo.

"Bệnh viện FV cung cấp cho chúng tôi một chỗ đứng chiến lược tại Việt Nam và là một cửa ngõ để phát triển và tập trung vào các khoản đầu tư trong tương lai vào thị trường đang phát triển nhanh chóng này", Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành của Thomson Medical cho biết.

Theo các điều khoản của hợp đồng mua bán, TMG đã đồng ý mua lại 100% Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam. Công ty có dòng vốn Pháp điều hành một loạt các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện đa khoa FV 220 giường và mạng lưới các phòng khám ban đầu và chuyên khoa.

Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam, hay còn được gọi là Tập đoàn FV, hiện có hơn 1.600 nhân viên, trong đó có hơn 200 bác sĩ Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 2013, cơ sở này cũng vận hành một phòng khám ngoại trú có tên là Phòng khám Đa khoa FV Sài Gòn ngay trung tâm Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Đến tháng 10, Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) tại TP. Hồ Chí Minh công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn y tế Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong.

Hai bên không tiết lộ giá trị cụ thể, song, hồi tháng 7, Savills Việt Nam định giá bệnh viện AIH ở mức 45,6 triệu USD.

Theo thoả thuận hợp tác, từ tháng 10/2023, RMG sẽ tham gia vào các hoạt động quản trị, quản lý vận hành AIH và phát triển một số chuyên khoa sâu như ung bướu, và ngoại tổng quát.

Trước đó, RMG từng cho biết sẽ mua phần lớn cổ phần của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, chủ đầu tư của AIH.

Việc mua lại AIH sẽ giúp RMG nắm bắt cơ hội phát triển từ sự bùng nổ nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe chất lượng cao được người dân trong khu vực lựa chọn của RMG.

Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018 có công suất hoạt động 120 giường nội trú và quy mô nhân sự khoảng 500 người. Đây là một dự án của Tập đoàn Tiến Phước, chủ đầu tư bất động sản lâu đời tại TP. Hồ Chí Minh.

"Sóng" M&A công ty dược

Hồi tháng 8, tập đoàn dược phẩm Hàn Quốc Dongwha Pharm tung 39 tỷ won (khoảng 30 triệu USD, tương đương hơn 710 tỷ đồng) mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, được xem là thương vụ có giá trị cao nhất ngành dược.

Từ lâu, Dongwha đã không giấu ý định thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam với nhiều sản phẩm do hãng phân phối. Chứng kiến nhu cầu ngày một gia tăng về các loại vitamin, hồng sâm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc tại Việt Nam, Dongwha có kế hoạch thúc đẩy doanh thu cho các sản phẩm này.

Trung Sơn Pharma là cái tên nổi tiếng của thị trường dược phẩm Việt Nam, với chuỗi 140 cửa hàng khắp miền Nam.

Thương hiêụ này được thành lập từ năm 1997 bởi vợ chồng bác sĩ Trương Thanh Sơn và dược sĩ Trương Hoàng Thanh Trúc, cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, từ thuốc kê đơn, không kê đơn (OTC), thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, thiết bị y tế, cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

Từ năm 2019 đến nay, Trung Sơn Pharma tăng trưởng trung bình 46% mỗi năm, năm 2022 đạt doanh thu 13,5 ngàn tỷ đồng.

Một thương vụ đáng chú ý của ngành dược năm 2023 là ASKA dùng 181 tỷ đồng tăng sở hữu của phần Dược Hà Tây. Khi thương vụ hoàn tất, ASKA sẽ nắm 26,8 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng gần 33% vốn DHT

Dược Hà Tây dự kiến chi 78 tỷ đồng từ tổng vốn thu về để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar và còn lại hơn 102 tỷ đồng sẽ dùng tái cơ cấu lại khoản nợ vay ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính.

Bên cạnh đó, HĐQT DHT cũng thông qua việc tạm thời khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 44,31% để đảm bảo phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.

ASKA là hãng dược hơn 100 năm tuổi của Nhật, ra đời từ năm 1920, chuyên về các sản phẩm cho nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu. Từ tháng 4/2020, công ty thành lập bộ phận kinh doanh quốc tế để bắt đầu đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển thông qua hoạt động ở thị trường nước ngoài.

Hãng dược Nhật Bản cho biết mục đích của giao dịch này là nhằm thiết lập địa điểm kinh doanh ở Đông Nam Á và xây dựng một nền tảng để mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế.

Hồi đầu 2021, ASKA hoàn tất thương vụ mua 6,6 triệu cổ phần DHT, nắm 24,9% vốn điều lệ  và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này. Sang tới tháng 6/2023, Dược Hà Tây chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 180%, tương ứng cổ đông nắm 100 cổ phiếu sẽ nhận về 180 cổ phiếu mới. Lượng cổ phiếu của ASAKA nắm tăng lên hơn 18,4 triệu cổ phiếu.

Trước đó, Adamed Pharma hoàn tất thâu tóm toàn bộ Davipharm hồi tháng 4 được xem là thương vụ M&A lớn đầu tiên của ngành dược trong năm 2023. 

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng Adamed Pharma cho biết, đây là một trong những thương vụ đầu tư trực tiếp lớn nhất họ từng thực hiện, mang theo kỳ vọng đưa Davipharm thành một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Việt Nam. Trước đó, Adamed Pharma đã sở hữu 70% cổ phần Davipharm vào năm 2017.

Thành lập vào năm 1986 tại Ba Lan, Adamed Pharma là "ông lớn" trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học. Tính đến cuối năm 2022, Tập đoàn có hơn 2.500 nhân viên, sở hữu 2 nhà máy sản xuất ở Ba Lan và 1 ở Việt Nam, với trên 200 bằng sáng chế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Davipharm là nhà sản xuất hơn 300 sản phẩm thuốc cho bệnh nhân ở Việt Nam, Campuchia, Philippines và Myanmar; sở hữu nhà máy công suất tới 1.2 tỷ viên nén/năm tại Bình Dương.

Theo số liệu của Vietnam Report, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6,0% GDP.

Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR (2020-2030) là 7,6%.

Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.

Theo Liên Thượng/nhadautu.vn