26,46 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 11 tháng
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua 11 tháng của năm 2021(tạm tính đến ngày 20/11/2021), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 26,46 tỷ USD.
Số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có 1.577 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy giảm 32,8% về số lượng dự án so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại tăng 3,76%, đạt gần 14,1 tỷ USD.
Trong 11 tháng đầu năm đầy khó khăn vì dịch bệnh bùng phát, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như vốn góp mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD.
Hiện nay, Singapore vươn lên dẫn đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đổ vốn đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư trong cả nước; đứng thứ hai là Hàn Quốc với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ...
Trên cả nước, Long An là địa phương thu hút đầu tư dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; TP. Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ hai với gần 3,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư; TP. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký trên 2,8 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là Bình Dương, TP. Cần Thơ, Quảng Ninh… Nếu xét về số dự án, lượng vốn FDI vẫn tập trung tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (36%), số lượt dự án điều chỉnh (18,5%)...
Như vậy có thể thấy, tuy lượng vốn FDI không tăng mạnh, nhưng vẫn có hơn 8 tỷ USD vốn FDI đăng ký thêm trong 11 tháng qua. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến lượng vốn FDI đăng ký tăng thêm là do nhiều dự án FDI đã tăng vốn đầu tư, điển hình là dự án LG Display (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,15 tỷ USD; dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan – Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD…
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua dù chịu sự tác động mạnh của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, chuyên gia và nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Theo ý kiến một số chuyên gia, trong bối cảnh thu hút FDI sụt giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực, để níu chân và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách, hoàn thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng cần có sự linh hoạt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, cần đẩy mạnh tốc độ và hiệu quả tiêm vắc xin cho người lao động, giãn thuế - giảm thuế nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại, sớm giải quyết các khó khăn về logistics và chuỗi cung ứng, giảm thiểu tối đa những tác hại bất lợi từ dịch COVID-19...