3 bước nhận bồi thường từ bảo hiểm trễ chuyến bay
Khi chuyến bay bị trễ, hệ thống tự động của Tổng công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) tự động mở hồ sơ bồi thường và gửi ngay thông báo tới khách hàng.
Bảo hiểm trễ chuyến bay là sản phẩm mới xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2019, VBI cho ra mắt sản phẩm Bảo hiểm trễ chuyến bay VBI Up dựa trên những nền tảng công nghệ hiện đại. “Bảo hiểm trễ chuyến là sản phẩm hữu ích cho những người hay đi du lịch hoặc công tác. VBI Up dù còn khá mới với khách hàng nhưng đang nhanh chóng trở thành trào lưu cho những người ưa dịch chuyển” - đại diện VBI cho biết.
Theo đó, VBI Up có thể được mua bất cứ lúc nào, thậm chí ngay khi có thông báo trễ chuyến. Khách hàng có thể lựa chọn thời điểm mua sản phẩm từ khi đặt vé hoặc gần giờ bay. Theo VBI, đa số khách hàng mua Sản phẩm sớm vì nhiều chuyến bay thông báo lùi chuyến 1 đến 3 đợt trước giờ bay thực tế, vì vậy, để được hưởng số tiền bồi thường tối đa, khách hàng nên lựa chọn mua cùng với lúc đặt vé máy bay.
Thông qua ứng dụng MyVBI, việc mua Bảo hiểm trễ chuyến sẽ chủ động hơn bởi không cần qua khâu trung gian. Khách hàng nhập trực tiếp thông tin, số hiệu chuyến bay và mã đặt chỗ, sau đó lựa chọn gói bảo hiểm theo nhu cầu là hoàn tất thủ tục trong vòng 5 - 10 phút. Ngoài ra, VBI Up có thể được mua trực tiếp tại các đại lý bán vé máy bay. Ngoài quyền lợi bồi thường khi chuyến bay cất cánh muộn, điều khoản bổ sung của sản phẩm VBI Up còn có bảo hiểm hủy chuyến, quay đầu hoặc đáp xuống sân bay khác, hành lý đến trễ...
VBI đưa ra quy trình 3 bước đơn giản trong trường hợp khách hàng gặp phải chuyến bay bị trễ hoặc hủy:
- Đầu tiên, khi xuất hiện chuyến bay trễ, VBI tự động mở hồ sơ bồi thường và gửi thông báo tới khách hàng qua tin nhắn hoặc email.
- Tiếp theo, khách hàng xác nhận thông tin tài khoản, VBI tự động duyệt và bồi thường tổn thất cho khách hàng.
- Cuối cùng, VBI thanh toán cho khách hàng dựa trên thông tin tài khoản khách cung cấp.
Đại diện VBI cho rằng: “Một trong những lý do khiến bảo hiểm trễ chuyến bay vẫn còn ít các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là do tình hình trễ chuyến tại Việt Nam khá cao, các nhà đầu tư có tâm lý sợ “lỗ”. Áp dụng công nghệ quốc tế để có dữ liệu chuẩn của hãng hàng không là không đơn giản nên nhiều doanh nghiệp chưa khai phá được sản phẩm này. Đây cũng là một thách thức rất lớn đối với thị trường bảo hiểm”.