3 cảnh tỉnh cho khách hàng mua dự án đất nền trong tương lai
Chạy đua theo cơn sốt đất nền, nhiều khách hàng bỏ qua kiến thức, tính pháp lý, quy luật thị trường, rót tiền mua bằng mọi giá mà không lường trước những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.
Với muôn lời quảng cáo đầy mỹ miều cùng “trào lưu” rót tiền vào phân khúc đất nền, nơi hứa hẹn chỉ lời không lỗ, rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã sẵn sàng rút hầu bao với mong muốn nhận được mảnh đất có vị trí đẹp. Thế nhưng, chỉ cần thiếu cảnh tỉnh, bị lu mờ trước tỷ suất lợi nhuận trước mắt mà không ít nhà đầu tư bị mất tiền. Dưới đây là 3 lời cảnh tỉnh để khách hàng tránh ngậm “quả đắng” khi mua dự án đất nền.
1. Dự án "bán lúa non"
Một trong những trường hợp mà khách hàng thường gặp phải là dự án "bán lúa non". Có thể hiểu dự án bán lúa non nghĩa là chưa đủ điều kiện để mở bán.
Căn cứ vào Điều 41, Nghị định 43/2013/NĐ-CP có quy định: Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm: Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.
Tuy nhiên, đa phần khách hàng đều mua dự án trên giấy mà không hề có sự kiểm chứng thực tế cũng như yêu cầu đơn vị đứng ra bán trình văn bản quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang” khi phải góp vốn cho doanh nghiệp trong điều kiện dự án mới chỉ nằm trên giấy.
Theo luật sư Lê Văn Hồi (Giám đốc Công ty Luật My Way), “khi bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào thị trường bất động sản nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành ký kết thì dẫn đến giao dịch mua bán, đặt cọc có thể bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mua”.
2. Hợp đồng mua bán không ghi nhận mức giá thực tế
Một số dự án đều được nhân viên môi giới tư vấn rằng, hợp đồng mua bán nên ghi nhận mức giá thấp hơn so với giá trị thực tế mà chủ đầu tư nhỏ lẻ bỏ tiền ra. Mặc dù, phía đơn vị đứng ra mua bán và khách hàng đều giảm thiểu được tiền thuế song rõ ràng phía khách hàng sẽ chịu rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Đơn cử như nếu dự án không hoàn thành, việc tiến hành bồi hoàn tiền đặt cọc thì phía khách hàng chỉ nhận được tối đã số tiền ghi trên hợp đồng mua bán.
3. Đơn vị đứng tên trên hợp đồng
Đa phần các dự án khi bán đều thông qua sàn giao dịch. Tuy nhiên, khách hàng cần phải xác định đơn vị đứng tên dự án thực sự là ai. Và điều quan trọng nhất đối tượng ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng phải là chủ đầu tư của dự án. Tránh trường hợp, đơn vị chịu trách nhiệm thu mua và ký hợp đồng lại không phải chủ đầu tư dự án. Nếu xảy ra rủi ro, khách hàng sẽ không biết đâu là đơn vị cần khiếu kiện hoặc xử lý.
Kết luận:
Chạy đua theo cơn sốt đất nền là xu hướng đầu tư theo tâm lý đám đông của rất nhiều người Việt. Xu hướng này khiến nhiều người bị choáng ngợp trước tỷ suất lợi nhuận khổng lồ, vòng xoáy thị trường mà bỏ qua các kiến thức, tính pháp lý cũng như quy luật thị trường.
Lời khuyên từ các chuyên gia bất động sản đưa ra đó là người mua cần có sự tính toán trước khi chạy theo số đông. Việc tìm hiểu kỹ vị trí khu đất mình mua trên thực tế là điều quan trọng đầu tiên, tránh trường hợp quá tin tưởng vào nhân viên môi giới. Biên bản bàn giao đất, giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy hoạch theo tỷ lệ 1/500… là những văn bản mà khách hàng cần xem xét kỹ lưỡng.
Khách hàng cần xem rõ hợp đồng về điều khoản tiến độ thanh toán, bồi thường, tránh mua dự án chung quyền sở hữu. Đặc biệt, với những khu đất chưa được phân lô, tách nền, người mua cần nên tránh. Đặc biệt, với bất kỳ khu đất nền, người mua nên kiểm tra được quy hoạch dự án từ cơ quan chức năng.