Sốt đất vẫn có thể xảy ra
Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức chiều 27/7.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 7,93% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (7,08%).
Tỷ lệ đô thị hóa của cả nước đạt 37,8%, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 27 triệu m2 sàn, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,7m2 sàn/người, tăng 0,3m2 so với năm 2017.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, nhìn chung thị trường bất động sản cả nước ổn định, nguồn cung dồi dào. Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), căn hộ văn phòng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có xu hướng chững lại do nguồn cung tăng cao và còn thiếu các quy định pháp lý liên quan đến các loại hình bất động sản này.
Về số lượng giao dịch, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công, tăng gần 25%; còn tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 9.550 giao dịch thành công, tăng hơn 31% so với năm 2017. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, tính đến ngày 20.6, tổng giá trị tồn kho còn khoảng 24.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng “trong tình trạng an toàn” quý I vào khoảng 473.000 tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình biến động đất nền tại một số địa phương, đặc biệt tại 3 địa phương dự kiến thành lập đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho rằng, nguyên nhân bởi một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu để tung tin gây thất thiệt, thổi giá, đầu cơ.
Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác tuyên truyền, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn… Hiện, tình hình bất động sản tại các khu vực trên đã ổn định trở lại.
Đánh giá về thị trường bất động sản trong nửa cuối năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, sẽ không có biến động lớn.
Lý do bởi để tạo biến động thị trường này có liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tác động đô thị hóa phát triển hạ tầng, chính sách tiền tệ, thị trường liên thông như vàng và ngoại tệ, điều hành quản lý nhà nước về thuế đất đai.
Song thực tế, những yếu tố này chưa đủ để tạo biến động cho thị trường bất động sản. Mặc dù vậy, “sốt đất vẫn có thể xảy ra ở các địa phương đang phát triển”, ông Ninh nhận định.