3 kịch bản cho bất động sản năm 2017
Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới.
Năm 2016, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định. Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi đã là điểm tựa tốt để thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2016 phát triển mạnh mẽ và ổn định.
TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thể chế đối với thị trường BĐS chuyển biến theo hướng thuận lợi. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt dòng vốn tín dụng vào BĐS. Theo đó, tăng hệ số rủi ro với tín dụng BĐS từ 150% lên 250% và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40% theo lộ trình.
Theo CIEM, năm 2016, các khoản thu về nhà đất tăng 32,6% so với dự toán, trong đó thu tiền sử dụng đất tăng 28% so dự toán, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tăng 38,7% so dự toán. Kinh doanh BĐS tăng 99,1% về số doanh nghiệp (DN) và tăng 242,5% về vốn đăng ký, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,1% và tăng 110,7% tương ứng.
Về giá BĐS, năm 2016, giá BĐS đã tăng khoảng 5-7%. Giá bán trên thị trường thứ cấp tăng cao hơn, khoảng 10-15%. Tuy nhiên, giao dịch BĐS những tháng cuối năm chững lại.
Báo cáo của CIEM cũng cho thấy, tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS chậm lại. Năm 2016, tín dụng BĐS ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với năm 2015 (28,3%). Tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tập trung chủ yếu vào nhu cầu xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê (34,3%); xây dựng khu đô thị (19%); đầu tư kinh doanh BĐS khác (nhà hàng, khách sạn để bán, cho thuê) 21,8%.
TS. Trần Kim Chung nhận định, thị trường BĐS năm 2017 sẽ có 3 kịch bản. Theo kịch bản thứ nhất, thị trường tăng trưởng tốt hơn năm 2016. Đây là kịch bản rất nhiều người mong muốn nhưng nhiều khả năng sẽ không xảy ra. Với kịch bản thứ 2, thị trường đi ngang, một số phân mảng điều chỉnh giảm, một số phân mảng điều chỉnh tăng. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất. “Tôi nghiêng về khả năng thị trường đi ngang, có tăng trưởng nhưng không lớn, nhưng buộc phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, địa bàn, luồng tiền”, TS. Trần Kim Chung cho hay.
Đối với kịch bản thứ 3, TS. Trần Kim Chung cho rằng, thị trường BĐS suy giảm, trầm lắng. Đây là kịch bản ít người mong muốn nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra (nếu có những bất ổn quan hệ, kinh tế thế giới, khu vực).
Năm 2017, thị trường BĐS sẽ giảm nhiệt, quy mô sẽ giảm khá nhiều do việc đầu cơ suy giảm. BĐS sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường bị thu hẹp, khi ngân hàng không còn nguồn vốn ngắn hạn cho BĐS.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, thị trường BĐS năm 2017 sẽ tiếp tục sự ổn định như năm 2016. Xu hướng các sản phẩm Smart, Green, tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã xuất hiện trong năm 2016, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm mang lại các tiện ích đầy đủ, hiện đại và tiết kiệm hơn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư sẽ quan tâm đến xu hướng này nhiều hơn để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các khách hàng sẽ quan tâm hơn đến yếu tố này khi đầu tư.
Hiện nay mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam ngày càng tăng trong năm 2017. Sự quan tâm này tới từ nhiều đối tượng khác nhau, từ những cá nhân tìm mua nhà mong muốn tận dụng Luật Nhà ở sửa đổi, cho tới quỹ đầu tư tư nhân cũng như quỹ tài chính lớn trong khu vực tìm kiếm những thương vụ lớn. Bên cạnh đó, tính thanh khoản tốt cũng đã thúc đẩy thị trường giao dịch tốt hơn. Điều đó sẽ được tiếp tục trong năm 2017 khi thị trường cổ phiếu và vốn phát triển.
“Đối với phân khúc nhà ở cao cấp cũng tiếp tục phát triển song sẽ có sự phân hóa loại cao cấp hẳn và cao cấp thực với loại sản phẩm khác đang gọi là cao cấp. Điều này do ảnh hưởng từ chính sách của Nhà nước và quá trình cơ cấu lại sản phẩm của thị trường. Một số phân khúc sẽ có cơ hội phát triển mạnh như phân khúc nhà ở thương mại ở mức trung bình và thấp, nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, TS. Trần Kim Chung cũng cho rằng phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới. Nhưng để hiện thực hóa điều này cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ. “Thị trường BĐS phát triển ổn định hơn và đi vào nhu cầu thực chất. Cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng nội, thực chất. Cơ cấu BĐS có sự dịch chuyển từ phân khúc trung, cao cấp sang phân khúc trung bình thấp”, TS. Trần Kim Chung cho biết thêm.