3 lỗi ngốc nghếch về tiền ngay cả người thông minh cũng mắc
Chuyên gia tài chính Jill Schlesinger từng gặp một khách hàng nhất quyết không mua bảo hiểm rủi ro tàn tật và sau đó lao đao vì bệnh.
Chuyên gia hoạch định tài chính Jill Schlesinger từng gặp nhiều người thông minh nhưng đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt về tiền bạc. Một khách hàng của bà nhất quyết không mua bảo hiểm rủi ro tàn tật và sau đó phải lao đao vì mắc bệnh đa xơ cứng. Một bác sĩ trì hoãn viết di chúc và gặp những rắc rối liên quan. Một kỹ sư công nghệ chần chừ bán cổ phiếu vì muốn đợi giá cao và kế hoạch nghỉ hưu của anh đổ bể khi thị trường xuống dốc.
Schlesinger, nhà phân tích doanh nghiệp của CBS News và tác giả cuốn sách "The Dumb Things Smart People Do With Their Money" thừa nhận chính bà cũng từng mắc một sai lần nữa là "đợi đúng lúc" để đầu tư và bỏ lỡ những cơ hội tốt.
"Chúng ta là những động vật có cảm xúc, chứ không chỉ có lý trí", Schlesinger nói. "Vì vậy, ngay cả những người rất thông minh cũng bị kìm hãm bởi chính những cảm xúc - thường là lo sợ, tham lam - và các thành kiến trong nhận thức của họ".
Quá lạc quan
Hầu hết chúng ta đều không thích nghĩ về những điều xấu có thể xảy ra và nhiều người quá tự tin vào khả năng dự đoán tương lai mà quên có hành động dự phòng các tình huống bất trắc.
Vị khách hàng không mua bảo hiểm là một ví dụ. Ông nghĩ việc đó không cần thiết vì cho là mình rất khoẻ mạnh. Người không bán cổ phiếu đang lên không hiểu rằng anh ta sẽ bị tổn thất lớn khi thị trường đi xuống. Vị bác sĩ "quên" làm di chúc vì không muốn nghĩ tới việc mình sẽ chết.
Thuốc giải cho tình trạng này là ngừng tính toán về khả năng xảy ra những điều bất trắc, thay vào đó hãy nghĩ xem bạn và người thân sẽ phải mất mát những gì nếu có điều bất trắc xảy ra. Nếu không dễ dàng phục hồi từ mất mát đó, hãy nhớ mua bảo hiểm, đa dạng hoá các khoản đầu tư, viết di chúc...
Quá vội vàng
Một mẹo những bán hàng hay dùng là cố tạo ra cảm giác cấp bách để mọi người phải hành động ngay. Nhưng chúng ta thường sẽ mắc sai lầm khi vội vàng. Nếu bạn cảm thấy có áp lực mua một sản phẩm, đăng ký một dịch vụ hay đầu tư vào thứ gì đó, hãy dừng lại một chút.
Nên tự hỏi 5 câu sau trước khi đưa ra quyết định đầu tư hay liên quan tới tiền bạc:
- Cái này sẽ đáng giá bao nhiêu?
- Có cách nào khác thay thế không?
- Nếu tôi muốn rút lại tiền thì có dễ dàng không và khi đó, mức phí hay khoản phạt tôi phải trả là bao nhiêu?
- Tôi có thể gặp các hậu quả gì về thuế?
- Tình huống tệ nhất tôi có thể phải đối mặt với việc này là gì?
Quá tin lời khuyên của chuyên gia
Không phải nhà cố vấn tài chính nào cũng đặt lợi ích của bạn lên trên của họ. Họ có thể "xúi" bạn đầu tư vào nơi tốn kém hoặc ít hiệu quả chỉ đơn giản bởi việc đó khiến túi họ đầy hơn.
Việc tự đưa ra các quyết định tài chính sẽ thích hợp khi bạn có khả năng xử trí các vấn đề cơ bản: thanh toán hết nợ thẻ tín dụng, đang tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu và đã lập quỹ khẩn cấp.
Cũng là khôn ngoan khi tìm tới chuyên gia nếu bạn đang phải đối mặt với một tình huống phức tạp hoặc bất thường. Nếu gặp rắc rối về thuế, bạn cần một chuyên gia thuế. Nếu bị chủ nợ kiện, bạn cần luật sư. Nếu sắp được thừa kế một khoản quá lớn - bạn nên trò chuyện với một chuyên gia tư vấn tài chính uy tín, biết đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết.