4 biện pháp trọng tâm thực hiện bình ổn giá sữa
(Tài chính) Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nỗ lực bình ổn giá sữa và chuẩn bị cho việc ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ðây là động thái nhằm từng bước chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt tình trạng giá sữa tăng tùy tiện, bất hợp lý, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, giảm và giữ giá sữa sẽ giúp người tiêu dùng bớt đi một phần gánh nặng chi tiêu. Theo đó, áp trần giá sữa là biện pháp phù hợp góp phần giúp doanh nghiệp tăng cường tiết giảm chi phí, duy trì lợi nhuận hợp lý để chia sẻ với người tiêu dùng. Đây cũng là cách để doanh nghiệp kích cầu, tăng đối tượng sử dụng sữa, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm túc, giữ gìn uy tín của nhà sản xuất, phân phối, kinh doanh mặt hàng quan trọng này.
Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều biện pháp để thực hiện công tác bình ổn giá sữa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng tới 4 nhóm giải pháp chính, cụ thể:
Thứ nhất, khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, các văn bản phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng trong các hoạt động bình ổn giá. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực quản lý của mình, Cục Quản lý giá cần sớm ban hành văn bản để hướng dẫn rõ tổ chức, cá nhân nào phải xây dựng giá tối đa, phải đăng ký giá; cơ quan quản lý giá các cấp phải làm gì để tham gia bình ổn giá… Đây là văn bản hết sức quan trọng giúp cả doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc. Chung tay thực hiện trách nhiệm bình ổn giá sữa vì tương lai con em chúng ta.
Thứ hai, tổ chức công tác theo dõi quản lý tại cơ quan quản lý giá ở Trung ương và ở các địa phương. Yêu cầu đặt ra là vận hành thông suốt cơ chế quản lý giá theo biện pháp bình ổn giá (cần lưu ý đây là lần đầu tiên thực hiện theo Luật Giá). Vì vậy, một mặt phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, một mặt phải phải nắm bắt thông tin số liệu để hình thành bộ dữ liệu cơ sở, làm căn cứ để quản lý giá tối đa, quản lý đăng ký giá, không để chậm trễ, ách tắc trong thực hiện. Một mặt khác, qua thực tiễn quản lý kịp thời, có hướng dẫn bổ sung giải quyết các vướng mắc phát sinh giúp doanh nghiệp nắm vững phương pháp xác định giá tối đa đã được giao, đăng ký giá đúng quy định đảm bảo tính tuân thủ cao. Về nguyên tắc, không vì thực hiện bình ổn giá mà dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các biện pháp bình ổn giá; xây dựng mối quan hệ công tác phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý giá với cơ quan quản lý nhập khẩu, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp trong việc quản lý đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu sữa; giữa cơ quan quản lý thị trường, cơ quan quản lý chất lượng hàng hoá trong việc quản lý giá cả, chất lượng sữa đối với các tổ chức kinh doanh trên thị trường; Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh sai phạm để đảm bảo các biện pháp bình ổn giá được thực hiện nghiêm túc, đạt được mục tiêu bình ổn đặt ra.
Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; phát hiện xử lý kịp thời và công khai các sai phạm cũng như biểu dương những doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã thực hiện tốt công tác bình ổn giá sữa.