4 điểm nhấn kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 10-15/10/2016

PV.

Tỷ giá Nhân dân tệ – USD thấp nhất 6 năm, Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế 40 tỷ, Hy Lạp được giải ngân 1,2 tỷ EUR, thị trường dầu thế giới dư cung... là những điểm nhấn tài chính - kinh tế thế giới tuần qua (10-15/10/2016).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tỷ giá Nhân dân tệ – USD thấp nhất 6 năm

Ngày 12/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá trung tâm của đồng NDT so với đồng USD xuống 6,7258 NDT/USD - mức thấp kỷ lục trong sáu năm qua. Đây cũng là ngày thứ sáu liên tiếp PBoC hạ tỷ giá NDT/USD - chuỗi giảm dài nhất trong 9 tháng qua. 

Theo dự đoán của giới phân tích, đồng NDT sẽ tiếp tục giảm giá trong thời tới trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm và tình trạng “tháo vốn” vẫn diễn ra.

Hy Lạp được giải ngân 1,2 tỷ EUR

Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã đồng ý giải ngân 1,1 tỷ EUR (1,2 tỷ USD) trong gói cứu trợ trị giá 2,8 tỷ EUR cho Hy Lạp sau khi ghi nhận những nỗ lực cải cách của nước này.

Các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã thông qua những biện pháp bổ sung cần thiết để cải tổ hệ thống hưu trí và ngành năng lượng, tăng cường quản trị ngân hàng và tiếp tục chương trình tư nhân hóa. 

Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế 40 tỷ

Thượng viện Nhật Bản ngày 11/10 đã phê chuẩn khoản ngân sách bổ sung trị giá 4.110 tỷ JPY (40 tỷ USD) nhằm kích thích nền kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm sút.

Phần lớn khoản ngân sách này sẽ được dùng để hỗ trợ gói kích thích kinh tế trị giá 28 nghìn tỷ JPY mà Chính phủ Nhật Bản công bố tháng 8/2016, trong đó: 710 tỷ JPY dùng để tăng cường các biện pháp trợ cấp xã hội; 1.410 tỷ JPY cải thiện cơ sở hạ tầng; 430 tỷ JPY hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như vực dậy kinh tế địa phương; 1.440 tỷ JPY tái thiết và giảm thiểu thiên tai.

Với ngân sách bổ sung lần này, tổng chi tiêu công của Nhật Bản cho năm tài chính 2016 đạt 100.010 tỷ JPY - mức cao nhất trong 3 năm qua.

Thị trường dầu thế giới dư cung

Trong khi sản lượng dầu thế giới tiếp tục tăng thì nhu cầu dầu tăng chậm lại cùng với sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, gây sức ép làm giảm giá dầu.

Dự báo thị trường dầu thế giới vẫn dư cung đến giữa năm 2017 nếu OPEC không thực hiện thỏa thuận đạt được tại Algeria vào tháng 9/2016 về việc cắt giảm sản lượng xuống 32,5-33 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 9/2016 đạt mức cao kỷ lục 33,64 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng dầu của Nga cũng đạt mức cao kỷ lục từ năm 1991.