4 điểm yếu của hệ thống giám sát tài chính

LÊ HƯỜNG (Theo VnEconomy)

Cuộc khủng hoảng tài chính gần đây tại các thị trường phát triển và các giai đoạn khó khăn của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho thấy những yếu kém trong hệ thống hiện hành.

 Đánh giá về công tác điều tiết và giám sát đối với hoạt động của các tổ chức tài chính, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính, nói:

- Trong hệ thống tài chính của Việt Nam, công cụ điều tiết và giám sát chủ yếu là cấp phép. Theo đó, các tổ chức tài chính phải được cấp phép và hoạt động theo giấy phép. Cấp phép đem lại một số rào cản trong việc tham gia thị trường của các định chế tài chính tại Việt Nam thông qua các yêu cầu về vốn, thẩm định chủ sở hữu và quản lý để kiểm tra tính phù hợp.

Việc cấp phép còn được thực hiện chi tiết đến các sản phẩm của các tổ chức tài chính. Sau cấp phép, việc giám sát được thực hiện chủ yếu trên quá trình kiểm tra giấy tờ và thanh tra tại chỗ, cũng như quá trình thanh tra thuế.

Cuộc khủng hoảng tài chính gần đây tại các thị trường phát triển và các giai đoạn khó khăn của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho thấy những yếu kém trong hệ thống hiện hành.

Điểm yếu thứ nhất là sự thiếu phối hợp điều tiết giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vấn đề tài chính. Điểm yếu thứ hai là sự yếu kém trong quá trình theo dõi và giám sát, bao gồm tính thiếu minh bạch và chất lượng các báo cáo. Sự phát triển, đổi mới của hệ thống tài chính tạo ra những sản phẩm lai ghép, do đó, công tác giám sát cũng gặp khó khăn hơn.

Sự không tương thích giữa các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn thế giới trong việc giám sát dựa trên rủi ro đã góp phần làm bộc lộ tính yếu kém của công tác điều tiết và giám sát. Ngoài ra, cơ chế cảnh báo và giám sát hệ thống sớm cũng là một điểm yếu của hệ thống điều tiết hiện nay.

Điểm yếu thứ ba là yếu kém trong việc quản lý các công ty tài chính có vốn nước ngoài. Thứ tư là yếu kém trong việc giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp. Ngoài ra, việc giám sát cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên cũng chưa được hiệu quả.  

Theo ông, nên có những thay đổi, bổ sung và điều chỉnh gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giám sát điều tiết thị trường tài chính hiện nay?

Cần bổ sung các yêu cầu về tính minh bạch và chế độ báo cáo, đặc biệt đối với chế độ kiểm toán hai lần một năm.

Bước thứ hai là tăng cường tái cơ cấu các cơ quan giám sát tài chính hiện tại, bao gồm, cơ quan giám sát trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán để hướng tới một hệ thống giám sát tích hợp và độc lập.

Về giám sát bảo hiểm, cần tái cơ cấu hoa hồng bảo hiểm. Văn phòng giám sát cần được thành lập tại Ngân hàng Nhà nước kết hợp với các phòng chức năng cùng với chức năng chống rửa tiền.

Bước thứ ba là thực hiện giám sát và điều tiết dựa trên rủi ro theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ tư, nâng cao tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường theo dõi các tổ chức tài chính lớn một cách có hệ thống.  

Một thực thể mới đã được ra đời đó là Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp và giám sát hệ thống. Đồng thời, tăng cường hợp tác và phối hợp quốc tế.  

Việc nâng cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giám sát và điều tiết hệ thống tài chính đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

“Hợp tác quốc tế” là cụm từ mà tất cả hệ thống giám sát trên thế giới đều hướng tới, như thỏa thuận đã đạt được của các nước trong nhóm G20.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác điều tiết và giám sát hệ thống tài chính của Việt Nam kỳ vọng vào sự hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong giám sát và theo dõi những hoạt động xuyên biên giới của các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng.

Một cơ quan giám sát của Việt Nam có thể chia sẻ thông tin cần thiết liên quan đến những hoạt động xuyên biên giới thông qua các tổ chức ở trong nước.

Ví dụ một công ty ở nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư, để cấp phép hoạt động cho công ty này, chúng tôi có thể viết thư trao đổi thông tin với cơ quan giám sát của nước đó, để có thể khẳng định rằng công ty đó hoạt động tốt không, có uy tín không. Dựa vào những thông tin được cung cấp, chúng tôi có cơ sở để cấp phép cho công ty đó hoạt động tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện hợp tác điều tiết và giám sát này trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +3. Đồng thời, quan chức và chuyên viên về giám sát tài chính giữa các nước trong khu vực cũng có giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.  

Một điểm yếu của công tác giám sát và điều tiết hệ thống tài chính của Việt Nam là giám sát các công ty tài chính có vốn nước ngoài, cơ quan chức năng gặp khó khăn gì, thưa ông?

Merrill Lynch, AIG là những công ty tài chính có vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Khi cấp phép cho các công ty này, cơ quan giám sát cũng rất tin tưởng vào vị thế của họ trên thị trường thế giới và không thể dự đoán trước được sự sụp đổ có thể xảy ra.

Đây là một điểm yếu mà cơ quan chức năng cần chú ý đến bên cạnh việc tập trung vào các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước. Ngoài ra, hệ thống soát xét khách hàng đầu tư cũng chưa đủ mạnh.

Một yếu tố khác cần tính đến là nâng cao năng lực của cán bộ giám sát. Đây là đội ngũ vẫn còn thiếu về lượng và yếu về chất, với một nguyên nhân là chênh lệch mức lương giữa khu vực nước ngoài và tư nhân. Qua đó có thể thấy Việt Nam còn phải đi qua một chặng đường dài để nâng cao năng lực giám sát.