4 nội dung chính người dân góp ý cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Hữu Hòe

Trả lời phỏng vấn về góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013, bà Nguyễn Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, chưa bao giờ công tác truyền thông chính sách được tổ chức quy mô đồ sộ, bài bản như đợt tuyên truyền về công tác sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này.

Phóng viên: Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được triển khai nhanh, rộng khắp, bà có cho rằng cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng?

Nguyễn Thị Hạnh: Qua công tác trao đổi, nắm tình hình thường xuyên với các bộ, ngành, địa phương, có thể nhận định, chưa bao giờ công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông chính sách được tổ chức quy mô đồ sộ, bài bản, rộng khắp, có kế hoạch chi tiết, thực hiện thành cao điểm, có sự tham gia của tất cả các chủ thể như đợt tuyên truyền, phổ biến về công tác sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này.

Bà Nguyễn Thị Hạnh- Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
Bà Nguyễn Thị Hạnh- Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

Việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chỉ được tiến hành trong 1 tháng, từ ngày 6/5 - 5/6/2025, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện nhiều cải cách lớn về thể chế và bộ máy nhà nước. Do đó, yêu cầu đặt ra là không chỉ bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, mà còn phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, số lượng người dân tham gia góp ý trực tiếp cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID ngày một tăng. Tính đến 13h00 ngày 24/5/2025, đã có khoảng 14 triệu người dân tham gia góp ý. Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các bước góp ý trên ứng dụng VNeID, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi.

Việc kết hợp linh hoạt giữa truyền thông hiện đại (báo điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng) và truyền thông truyền thống đã giúp tăng độ phủ và chiều sâu tiếp cận, bảo đảm mọi tầng lớp Nhân dân đều có cơ hội tiếp cận và tham gia đóng góp ý kiến.

Số liệu thống kê của Cục Báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong thời gian từ ngày 6/5/2025 tới ngày 23/5/2025, đã có 3.808 tin, bài đăng trên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thông tin tuyên truyền, phổ biến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhiều cơ quan báo chí mở các tuyến bài, chuyên mục về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Phóng viên: Những nội dung chính mà Nhân dân tập trung góp ý là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hạnh: Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và Nhân dân góp ý khá tập trung và trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung như sau:

Một là, quy định sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp năm 2013 khi thực hiện chủ trương sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, cách thiết kế quy định về đơn vị hành chính tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp năm 2013 (nên quy định khái quát hay cụ thể về đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Ba là, cân nhắc việc giữ quy định “việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” tại khoản 2 Điều 110 Hiến pháp hiện hành, vì quy định này vừa qua được thực hiện rất tốt, phát huy dân chủ.

Bốn là, cân nhắc giữ quy định đại biểu Hội đồng Nhân dân có quyền chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tại khoản 2 Điều 115 Hiến pháp, vì đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước…

Phóng viên: Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ và xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến ​​Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tiến độ hoàn thiện các báo cáo này ra sao, khi mà thời gian lấy ý kiến Nhân dân sắp kết thúc, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hạnh: Ngày 25/5, Tổ công tác của Bộ Tư pháp về nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục có buổi làm việc để thảo luận về những vấn đề lớn tại Đề cương dự thảo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đang tiến hành tổng hợp kết quả lấy ý kiến để xây dựng báo cáo gửi về Bộ Tư pháp. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai.

Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tiến độ xây dựng và hoàn thành dự thảo Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến ​​Nhân dân, các ngành, các cấp về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!