Kinh nghiệm của CEOs:
4 yếu tố tiên quyết để xây dựng công ty thành công
Kinh nghiệm từ những CEO thành công, 4 yếu tố sau sẽ quyết định công ty có thành công hay không.
Thành công không chỉ là thành quả, những công ty thành công không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng đạt được mà họ cân nhắc toàn bộ quá trình dẫn đến kết quả ấy. Hiệu quả làm việc và những thói quen được hình thành trong quá trình đó mới là thứ quan trọng mà mọi người nên chú ý.
Khi bắt tay vào thành lập một công ty, có vô vàn thứ bạn cần phải chú ý đến. Tích lũy từ những bài học xương máu của các CEO thành công trên thế giới, nếu chuẩn bị vững vàng 4 điều dưới đây, con đường xây dựng công ty của bạn sẽ không bị "vướng" quá nhiều trở ngại hay bất ngờ không mong muốn.
1. Tiền bạc
"Bạn không thể vận hành công ty chỉ với lời nói hay hứa hẹn về phúc lợi tương lai. Tiền vốn là phương tiện cụ thể nhất để đánh giá thành công theo từng giai đoạn của một công ty”, theo Aaron Webber - CEO của MadisonWall, công ty quản lý vốn và đầu tư của nhiều công ty quản cáo.
CEO MadisonWall nhấn mạnh: "Hàng triệu đô la từ các hoá đơn công việc mà khách hàng chưa thanh toán cho bạn sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn không có tiền để trả phí thuê mặt bằng công ty tháng sắp tới. Cần luôn chuẩn bị sẵn một số tiền nhất định trong tài khoản ngân hàng của công ty đề phòng những trường hợp bất ngờ có thể xảy đến bất cứ lúc nào".
Ý của Aaron Webber là một công ty chỉ thành công khi người điều hành nó biết sử dụng ngân sách một cách khôn ngoan, sử dụng lãi suất kép và tái đầu tư.
Nếu bạn rèn luyện một thói quen chi tiêu hợp lý và hiệu quả, bạn không chỉ thành công trong việc duy trì công ty mà còn phát triển, mở rộng nó. Ngược lại, nếu bạn tùy tiện trong việc chi tiêu tiền bạc thì công ty sẽ có rất ít khả năng đứng vững. Nhiều tiền sẽ không giúp bạn khắc phục tật xấu đó, nó thậm chí làm tật xấu tồi tệ hơn.
2. Khả năng lãnh đạo
Hầu hết những bạn trẻ khi bắt tay thành lập công ty rất tự hào với danh xưng là CEO của mình. Tuy nhiên, chức vụ đó không chỉ là cái danh hào nhoáng để trưng mà nó là một trách nhiệm to lớn nặng nề. Là một CEO, bạn phải xây dựng được giá trị cho công ty của mình.
Andy Frisella - CEO của công ty đa quốc gia 1st Phorm nói rằng: “Nếu bạn muốn có một đội ngũ nhân viên trung thành và tận lực vì lợi ích công ty, bạn phải biết đặt trọng tâm vào họ. Công việc của bạn không phải là trở thành trung tâm của sự chú ý mà là giúp công việc, cuộc sống của các nhân viên công ty trở nên suôn sẻ hơn. Bạn là người lãnh đạo, huấn luyện viên, nhưng không nhất thiết là cầu thủ số 1”.
3. Sự sáng tạo
Đây là chủ đề đang được nhiều công ty quan tâm hiện nay, ý tưởng về một môi trường làm việc mở, nơi mà mọi nhân viên đều có quyền tự do làm việc mà họ thích.
Jim Kwik là đồng sáng lập Công ty Kwik Learning, đã từng là tư vấn viên tâm lý cho nhiều CEO lẫn người nổi tiếng hàng đầu thế giới. Trong chủ đề về hiệu quả làm việc tại công sở, ông đã nói rằng: “Chúng ta càng nhận ra rõ ràng hơn rằng làm việc liên tục 8 tiếng đồng hồ một ngày, 5 ngày một tuần không phải là cách tốt nhất để làm việc hiệu quả. Nhiều công ty đang cố gắng trở nên linh hoạt hơn, cho phép nhân viên được tự do trong việc lựa chọn thời gian làm việc của họ để tránh trường hợp trên. Khung thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều không phải là lý tưởng cho tất cả mọi người, và điều đó là dễ hiểu”.
Những người lãnh đạo trẻ sẽ rất dễ mắc sai lầm khi nghĩ rằng giờ làm là đơn vị đo lường hiệu quả làm việc tốt nhất. Cái quan trọng nhất vẫn là kết quả. Nếu nhân viên của bạn có thể ngồi tại nhà và tốn 1/2 thời gian để hoàn thành cùng một công việc so với khi họ ở công ty thì hãy cứ để họ làm việc tại nhà và hoàn thành nó một cách tốt nhất.
4. Dịch vụ khách hàng
Thu hút được khách hàng là một việc khó, giữ được khách hàng còn khó hơn.
Nếu công ty bạn mỗi tháng đều có khách hàng huỷ dịch vụ hay từ chối tiếp tục hợp đồng, bạn sẽ liên tục gặp khó khăn và không thể thành công lâu dài được. Điều bạn cần là những khách hàng vui vẻ và trung thành với công ty, tuyệt vời hơn nữa là họ sẽ giới thiệu công ty bạn với những bạn bè của họ.
Azazie là công ty chuyên thiết kế các loại váy cưới và đã xây dựng được thương hiệu vô cùng thành công trong ngành thời trang tiệc cưới khi tăng hơn 300% doanh thu trong năm 2017. Charles Zhong - CEO của Azazie đã chia sẻ rằng:
"Nếu bạn muốn thấy đỉnh cao của ngành dịch vụ khách hàng, hãy bước chân vào lĩnh vực thời trang cưới. Mỗi khách hàng đều vô cùng độc đáo, và bạn đang phải chuẩn bị cho một trong những sự kiện quan trọng nhất đời họ, lễ cưới. Để nhóm của bạn có thể làm việc hiệu quả, bạn cần phải biết cách giao tiếp với mọi người và xác định được ngay khi có vấn đề phát sinh. Chúng tôi khuyến khích nhân viên của mình đặt câu hỏi, hỏi khách hàng xem có việc gì mà họ đang gặp khó khăn không, có việc gì chúng tôi có thể giúp được họ không. Chúng tôi mong muốn khách hàng của mình cảm thấy họ được lắng nghe”.
Ngành dịch vụ khách hàng hầu như đều quy về việc tận tâm. Mọi người hầu như đều đã biết cách để tiếp cận thông tin qua mạng internet. Vì vậy, khi khách hàng cần sự trợ giúp của bạn, cái họ cần là một người liên hệ cụ thể vấn đề của họ và cách để giải quyết nó. Sự trợ giúp đó càng tận tâm bao nhiêu thì khả năng khách hàng sẽ quay trở lại với công ty bạn sẽ càng cao bấy nhiêu, chính sự tận tâm đó tạo cho họ sự tin tưởng vào công ty của bạn.