45 tỷ đồng kinh phí khuyến công quốc gia được phân bổ trong 6 tháng đầu năm
Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3396/QĐ-BCT là 130 tỷ đồng/106 đề án, nhiệm vụ cho 38 địa phương, 14 đơn vị và một số nhiệm vụ do Cục trực tiếp thực hiện. Đến hết ngày 30/6/2024, kinh phí khuyến công quốc gia được phân bổ là 45 tỷ đồng.
Theo đó, Cục Công Thương địa phương hướng dẫn các địa phương, đơn vị hoàn thiện hồ sơ và triển khai đề án đã được phân bổ ngân sách theo quy định; xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025.
Nửa đầu năm 2024, Cục Công Thương địa phương đã phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công TP. Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc. Đồng thời, thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát các đề án khuyến công quốc gia năm 2022 - 2023, Cục Công Thương địa phương đã thực hiện 3 đoàn kiểm tra giám sát tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Hà Giang.
Cục Công Thương địa phương đánh giá, 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ của Cục luôn triển khai kịp thời, chất lượng, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các công việc có liên quan.
Cùng với đó, đơn vị cũng tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát về tình hình thực hiện công tác khuyến công, công tác cụm công nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đánh giá kết quả, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khuyến công, cụm công nghiệp tại các địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, một số địa phương hiện tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng sáp nhập đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương vào đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh. Việc sáp nhập trên phá vỡ tính thống nhất trong tổ chức hệ thống khuyến công đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công quốc gia.
Thêm vào đó, đến hết tháng 6, kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024 mới được phân bổ khoảng 34,6% trên tổng kinh phí năm 2024, do đó ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia của các địa phương.
Để khắc phục những khó khăn, tiếp tục triển khai nhiệm vụ đạt nhiều hiệu quả, đặc biệt trong công tác khuyến công, Cục Công Thương địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tiến độ phân bổ ngân sách năm 2024, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giao. Tập trung nghiên cứu hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
Cục sẽ phối hợp với các tỉnh: Quảng Trị, Kiên Giang để chuẩn bị nội dung, chương trình và thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức Hội nghị khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực miền Nam.
Ngoài ra, Cục Công Thương địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phối hợp UBND cấp tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ, đúng quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tập trung xây dựng chính sách, giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở, cho việc đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh công tác truyền thông cho các hoạt động…
Về quản lý cụm công nghiệp, Cục tổ chức kiểm tra, khảo sát công tác quản lý cụm công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố và thực hiện nhiệm vụ hoạt động phát triển cụm công nghiệp khác được giao; tiếp tục xử lý kiến nghị các địa phương, cơ quan/đơn vị về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và thực hiện công tác quản lý cụm công nghiệp khác theo thẩm quyền. Ngoài ra, Cục tập trung nhân lực thực hiện nhiệm vụ về công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp, chương trình nông thôn mới và các công tác khác.
Được biết, cuối năm 2023, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn cần triển khai thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công thời gian tới.
Trong đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước và chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khuyến công. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp nông thôn để đề xuất, kiến nghị, tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị định mới về khuyến công, bảo đảm đủ mạnh và khả thi, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới.