Tác động của chính sách khuyến công đến các cơ sở Công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Đến nay, nhiều mô hình Công nghiệp nông thôn (CNNT) được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp gia tăng giá trị và tỉ trọng công nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nội dung của Nghị định và các văn bản hướng dẫn đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Công Thương, việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động tiểu thủ công nghiệp, cơ sở CNNT đối với công tác khuyến khích phát triển CNNT.
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với công tác khuyến công, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khuyến công làm căn cứ để các sở, ngành, địa phương và các cơ sở CNNT triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã ban hành 02 kế hoạch khuyến công giai đoạn 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các kế hoạch hằng năm để thực hiện; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện các đề án khuyến công đảm bảo thực hiện theo đúng quy định hiện hành, đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp các quy định của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, đến nay, nhiều mô hình CNNT được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp gia tăng giá trị và tỉ trọng công nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 2012 - 2023, công tác khuyến công của tỉnh Cao Bằng luôn bám sát mục tiêu, nội dung chương trình khuyến công từng giai đoạn, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trụng vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế của địa phương. Các hoạt động khuyến công, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, giúp cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giúp cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công từ Trung ương đến địa phương đã từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác khuyến công, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và doanh nghiệp về khuyến công.
Trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2024, để đưa hoạt động khuyến công trở thành động lực cho phát triển CNNT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách về khuyến công của địa phương, bảo đảm hiệu quả khả thi phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hai là, củng cố và tăng cường hiệu quả công tác khuyến công từ cơ sở. Phân công cán bộ phụ trách khuyến công tại các Phòng Kinh tế và Hạ tầng/Kinh tế các huyện/thành phố tăng cường hiệu quả công tác khảo sát, lập và triển khai thực hiện các đề án khuyến công.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin, tuyên truyền công tác khuyến công, phổ biến sâu rộng chính sách này tới cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn, nâng cao sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện chính sách khuyến công. Bên cạnh đó, lồng ghép chương trình khuyến công với các dự án, chương trình khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, triển khai hiệu quả các đề án khuyến công góp phần hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch giai đoạn; tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng kế hoạch, đề án, triển khai các đề án cho cán bộ làm công tác khuyến công.