5 vấn đề cần xem xét trong báo cáo tài chính khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Báo cáo tài chính (BCTC) đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp giữa doanh nghiệp và các bên liên quan. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn này, việc công bố kịp thời những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng tồn tại cũng như các biện pháp để quản lý rủi ro… là rất quan trọng để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của EY, các mối đe dọa kinh doanh và kinh tế từ sự bùng phát của đại dịch vẫn đang tiếp tục. Do đó, các doanh nghiệp đang phải đối phó với doanh thu bị mất, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sự biến động đáng kể trên thị trường tài chính.
Trong thời điểm này, có nhiều vấn đề buộc doanh nghiệp phải xem xét lại. Chính phủ các nước đã công bố các biện pháp cung cấp hỗ trợ cả tài chính và phi tài chính cho các lĩnh vực công nghiệp bị gián đoạn và các tổ chức kinh doanh bị ảnh hưởng. Còn lại, doanh nghiệp cần có thông tin đáng tin cậy để lấy lại niềm tin trong những thời điểm không chắc chắn và một phần trong số đó sẽ được cung cấp thông qua BCTC.
Thực tế, khi đại dịch bùng phát, những tác động đến BCTC có thể không phải là điều đầu tiên doanh nghiệp nghĩ đến. Nhưng khi đại dịch tạm lắng xuống và có nguy cơ lan rộng trở lại bất cứ lúc nào, doanh nghiệp sẽ phải lưu ý đến vai trò quan trọng của BCTC và đây cũng là thách thức đối với người lập BCTC, ủy ban kiểm toán và kiểm toán viên.
Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán và kiểm toán hiện hành chắc chắn sẽ tạo ra câu hỏi đối với những người có liên quan đến BCTC. Các yêu cầu hiện hành về kiểm toán và kế toán vẫn được áp dụng, mặc dù một số cơ quan quản lý đã đưa ra hướng dẫn cập nhật bao gồm giảm bớt một số nội dung.
Các chuyên gia của EY khuyến nghị: doanh nghiệp cần phải xem xét các bản cập nhật mới nhất liên quan đến các quy định hiện hành và theo dõi doanh nghiệp. Sẽ có nhiều lĩnh vực cần được thảo luận, trong đó có 5 vấn đề nên là ưu tiên hàng đầu:
Tính thanh khoản
Đối mặt với khủng hoảng, ban lãnh đạo sẽ quan tâm đến sự tồn vong của doanh nghiệp và chìa khóa sẽ là dòng tiền - doanh nghiệp có đủ tiền để tồn tại trong 6 đến 12 tháng tới. Khi lập BCTC, ban giám đốc sẽ phải đánh giá khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp và đưa ra giả định hoạt động liên tục có phù hợp hay không.
Các yếu tố cần xem xét, kết luận đạt được và mức độ công bố thông tin cần thiết sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh trong từng trường hợp, bởi không phải tất cả doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng theo cách thức và mức độ giống nhau. Doanh nghiệp có thể phải và cập nhật liên tục các thông tin BCTC dựa trên bản chất diễn biến của từng đợt dịch bùng phát.
Đánh giá tổn thất
Vào cuối mỗi kỳ báo cáo, doanh nghiệp phải đánh giá xem có bất kỳ khoản suy giảm nào đối với các tài sản hay không. Khi đánh giá tổn thất, các công ty được yêu cầu xác định số tiền có thể thu hồi của tài sản. Việc tính toán này yêu cầu ước tính về các dòng tiền dự kiến trong tương lai và kỳ vọng về các biến động của các dòng tiền.
Các dòng tiền dự báo phải phản ánh ước tính tốt nhất của ban giám đốc về các điều kiện kinh tế sẽ tồn tại trong thời gian còn lại của tài sản. Trong môi trường không chắc chắn hiện tại, doanh nghiệp càng cần phải cung cấp thông tin chi tiết về các giả định được thực hiện, bằng chứng dựa trên đó và tác động của việc thay đổi các giả định.
Sửa đổi hợp đồng
Các công ty bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát Covid-19 có thể gặp thách thức về dòng tiền do hoạt động bị gián đoạn, chi phí hoạt động cao hơn hoặc doanh thu bị mất. Họ có thể cần thêm nguồn tài chính, sửa đổi các điều khoản của hợp đồng nợ hoặc xin miễn trừ nếu không còn đáp ứng các giao ước nợ.
Trong những trường hợp như vậy, doanh nghiệp cần xem xét có thay đổi nào đối với các thỏa thuận hợp đồng hiện có nhằm thể hiện một sự sửa đổi đáng kể hoặc có khả năng hủy bỏ hợp đồng.
Chẳng hạn như ngân hàng và công ty bảo hiểm trợ giúp người vay bằng cách giảm bớt các nghĩa vụ về dòng tiền. Đây sẽ được coi là những sửa đổi hợp đồng và các tổ chức này phải tính toán lại về danh mục cho vay và tổn thất tín dụng dự kiến …
Đo lường giá trị hợp lý
Các doanh nghiệp được yêu cầu phải đo lường một số tài sản và nợ phải trả của họ theo giá trị hợp lý. Đây là ước tính giá giao dịch theo ngày cụ thể dựa trên các giả định mà những người tham gia thị trường sẽ đưa ra trong các điều kiện hiện tại.
Khi thực hiện các đánh giá và xét đoán để đo lường giá trị hợp lý, doanh nghiệp nên xem xét các điều kiện và các giả định tương ứng mà các bên tham gia thị trường đã biết. Tác động của đo lường giá trị hợp lý (FVM) sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá xem mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát (tại ngày báo cáo) có ảnh hưởng đến các giả định định giá của người tham gia tại thời điểm đó hay không.
Trợ giúp của chính phủ và thuế thu nhập
Một phần trong phản ứng của các chính phủ đối với sự bùng phát của đại dịch là đưa ra biện pháp hỗ trợ cho các ngành riêng lẻ cùng với các gói kích thích kinh tế. Các biện pháp này bao gồm trợ cấp trực tiếp, miễn thuế, giảm thuế và tín dụng, giảm thuế công, giảm hoặc hoãn lại tiền thuê và cho vay lãi suất thấp…
Tất cả các biện pháp này sẽ có ảnh hưởng đến BCTC. Các biện pháp cứu trợ về thuế thu nhập, trợ cấp của chính phủ, tiền thuê hoặc công cụ tài chính và cách hạch toán có thể khác nhau trong từng trường hợp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xác định các thay đổi về thuế suất và luật định đã được ban hành kể từ ngày phát hành BCTC hay chưa. Mọi khoản giảm trừ đều phải được đánh giá để xác định xem chúng nên được tính vào giảm chi phí thuế thu nhập hay trợ cấp của chính phủ.