6 bài học kinh nghiệm trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài chính
Bộ Tài chính vừa tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V, tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2021-2025. Tại Đại hội, Bộ Tài chính đã nêu ra 6 kinh nghiệm kinh nghiệm trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài chính.
6 bài học kinh nghiệm trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài chính được Bộ Tài chính nêu ra tại buổi tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020, gồm:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đối với công tác thi đua, khen thưởng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị với các tổ chức đoàn thể tại cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai các phong trào thi đua.
Hai là, các phong trào thi đua phải gắn với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị; gắn các phong trào thi đua thường xuyên với các phong trào thi đua chuyên đề. Mục tiêu, nội dung, giải pháp thi đua phải rõ ràng, cụ thể tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị; hình thức, phương pháp thi đua phải phong phú, thường xuyên đổi mới, tránh sự nhàm chán để thu hút được đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động hăng hái, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua. Cần chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả tổ chức, triển khai các phong trào thi đua.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng.
Bốn là, cần phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xây dựng kế hoạch lựa chọn các Điển hình tiên tiến cụ thể, đồng thời có kế hoạch biểu dương, khen thưởng kịp thời các Điển hình tiên tiến.
Năm là, trong xét khen thưởng phải bám sát các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, khách quan, kịp thời, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Cần có những chính sách, giải pháp nhằm quan tâm khen thưởng đối với các đối tượng là các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, khen thưởng thành tích chuyên đề, đột xuất; tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất.
Sáu là, thường xuyên quan tâm kiện toàn, hoàn thiện về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy, nâng cao vai trò tham mưu, tư vấn của Hội đồng Thi đua, Khen thưởng các cấp. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng cần được duy trì ổn định, đảm bảo tính kế thừa lâu dài. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.