6 cách ứng xử thông minh để bày tỏ sự phản đối
Trong quá trình làm việc ở doanh nghiệp, công ty chắc chắn không ít lần bạn cảm thấy bất đồng ý kiến trong các cuộc họp, thảo luận. Điều này là bình thường và tích cực vì nó mang lại các góc nhìn khác nhau, đồng thời giúp doanh nghiệp chọn được hướng đi đúng đắn giữa vào những tranh luận của người tham gia.
Nhiều người ngại bày tỏ sự phản đối vì họ lo lắng sẽ bị mất mặt nếu ý kiến của họ là sai, và nếu nó có đúng đắn đi nữa thì cũng sẽ làm những người xung quanh cảm thấy khó chịu. Đây là nhận thức cần phải thay đổi vì nó sẽ ảnh hưởng đến tư duy và hiệu quả làm việc của chính bạn. Dưới đây là 6 cách ứng xử thông minh khi bày tỏ sự phản đối mà bạn có thể tham khảo.
Bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi
Để có một cuộc tranh luận hiệu quả thì tất cả đều phải được bắt đầu bằng một câu hỏi. Câu hỏi sẽ đóng vai trò như chìa khóa mở rộng vấn đề, giúp bạn và những người khác nhìn nhận sự việc một cách dễ dàng hơn. Tùy vào chủ đề thảo luận và khía cạnh bạn muốn phản đối mà câu hỏi có thể sẽ là: “Anh/chị nghĩ rằng mức độ hiệu quả của chiến lược này sẽ như thế nào?” hoặc “Liệu sẽ xuất hiện nhược điểm gì và chúng ta sẽ đối phó như thế nào?”. Thông qua các hỏi hỏi mở đầu, bạn sẽ thuận lợi tiếp cận vấn đề từ đó đưa ra những đánh giá của bản thân một cách tinh tế ở bước tiếp theo, Chuyên viên Nhân sự cao cấp của công ty tuyển dụng và tìm việc làm CareerLink Việt Nam chia sẻ.
Bày tỏ đánh giá của bạn về tính chất của vấn đề đang thảo luận
Thêm một cách ứng xử thông minh khi bày tỏ sự phản đối là tránh đưa ra các nhận định mơ hồ mà thay vào đó là sự khẳng định và phủ định rõ ràng dựa vào các đánh giá của bạn. “Đây là một hướng đi không mang lại hiệu quả tối ưu, vì…” hoặc “Ý tưởng này sẽ thất bại nếu không đảm bảo được các yếu tố sau đây…”. Đây sẽ là một cách khéo léo giúp bạn lồng ghép sự không đồng tình của bản thân bằng cách chỉ ra những vấn đề thực tiễn tồn tại thay vì chỉ đơn thuần nói rằng “Tôi không đồng ý”.
Luôn lắng nghe và tỏ ra lắng nghe
Bản chất của cuộc tranh luận là sự tương tác, thế nên hãy chủ động nhường phần biện luận cho những người xung quanh khi bạn đã hết phiên của mình. Khi đó hãy tôn trọng ý kiến đáp trả bằng cách thể hiện sự lắng nghe, ghi chép nếu có thể. Điều này có thể thể hiện thông qua ngôn ngữ cơ thể của bạn vì thế hãy chú ý thực sự lắng nghe chứ không phải là giả vờ và rồi bỏ ngoài tai.
Đừng biến bất đồng thành vấn đề cá nhân chủ quan
Một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải khi tham gia tranh luận đó là việc họ sẽ cá nhân hóa vấn đề đáng lẽ ra là của chung của tập thể, doanh nghiệp. Điều mà tuyệt đối cần tránh là không mang những vấn đề cá nhân, riêng tư của người khác trên bàn họp đồng thời đặt lợi ích của tập thể lên vị trí hàng đầu. Điều này sẽ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và hiểu chuyện khi làm việc trong môi trường hiện đại nhưng cũng phức tạp ngày nay.
Đưa ra nhiều hướng giải quyết
Sau khi lên tiếng phản đối, bác bỏ ý kiến của ai đó, bạn cần phải đưa ra hướng giải quyết hoặc phương án tiến hành. Đừng nên chỉ đưa ra một phương án vì điều này sẽ làm cho vấn đề rơi vào trạng thái khó xử vì mọi người sẽ không có quá nhiều sự lựa chọn. Thay vào đó nên trình bày những phương án theo mức độ tối ưu giảm dần, ở mỗi phương án không quên trình bày ưu nhược điểm tương ứng để tất cả những người có mặt trong cuộc họp đều có cơ sở rõ ràng.
Sẵn sàng chứng minh
Điều quan trọng nhất khi bạn thẳng thắn phản đối trong cuộc họp đó chính là bạn phải sẵn sàng chứng minh, sẵn sàng là người tiên phong để thay đổi cũng như tiến hành những phương án bạn tin rằng sẽ hiệu quả hơn. Thái độ này không những giúp bạn có được sự tin cậy mà còn làm cho cuộc tranh luận đạt được mục đích mong muốn – đó là thực tế hóa những ý tưởng. Đây mới chính là điều bạn hướng đến thay vì để chiến thắng hay hạ bệ ai đó trong bất kỳ cuộc tranh luận nào.
Trên đây là 6 cách ứng xử thông minh khi bày tỏ sự phản đối với ý kiến của người khác. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn tự tin tham gia vào các cuộc tranh luận một cách thông minh và ngày càng chứng tỏ được giá trị bản thân.