Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội:
6 tháng đầu năm, số thu nộp ngân sách nhà nước từ thanh tra, kiểm tra tăng gần gấp đôi
6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 14.752 vụ (giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2017); Xử lý 12.410 vụ; Khởi tố 62 vụ với 70 bị can. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, số vụ thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời, số thu nộp NSNN lại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
6 tháng đầu năm 2018, thanh tra, kiểm tra 14.752 vụ vi phạm
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra: 14.752 vụ (giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2018); Xử lý: 12.410 vụ; Khởi tố 62 vụ với 70 bị can.
Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội với phương thức, thủ đoạn, tuyến đường và phương tiện vận chuyển đa dạng (Quảng Ninh, Lạng Sơn về Hà Nội); Từ các tỉnh phía Nam và miền Trung ra Hà Nội; theo đường hàng không về sân bay quốc tế Nội Bài.
Các đối tượng tiến hành hợp thức hóa hàng lậu theo hình thức quay vòng chứng từ hoá đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để đối phó với các cơ quan chức năng. Ngoài ra, do quy định thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá hải quan thông thoáng, các hiện tượng gian lận thương mại trong kê khai hải quan vẫn diễn ra như: Kê khai không đúng mã hàng hoá, giá trị và số lượng hàng hoá; Không đúng thuế suất áp dụng; gian lận trong kê khai xuất xứ, nhãn hiệu hàng hoá... Hoạt động buôn lậu thường tập trung vào các nhóm hàng sau: vải, quần áo, hàng điện tử, hàng tiêu dùng, bia, rượu ngoại, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, thực phẩm, lâm sản, động vật hoang dã...
Thực tế cũng cho thấy, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ mà còn được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường.
Các đối tượng vi phạm thường thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng, tập trung chủ yếu vào các loại hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, kính mắt, hóa mỹ phẩm..., gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính trên địa bàn Thành phố.
Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, hỗ trợ chế biến thực phẩm... không rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề sản xuất các mặt hàng rượu, sản phẩm chế biến bột và tinh bột; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng, không tem, nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã tổ chức sản xuất, kinh doanh trái phép các hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng; Sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi; Tiêm thuốc kích thích, chất cấm để tăng trọng lượng sản phẩm nhằm mục đích kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Lực lượng Hải quan Hà Nội tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; Chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, hàng sau thông quan và hàng tạm nhập tái xuất đưa vào Thành phố; Tập trung kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu trọng điểm như cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, cửa khẩu Bắc Hà Nội, cửa khẩu Đường sắt quốc tế Yên Viên và đường chuyển phát nhanh...
Lực lượng Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; Xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Tập trung điều tra, xử lý tại các địa bàn trọng điểm, các kho tàng, bến bãi như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, chợ Hòa Bình, ga Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài, tuyến đường sắt, đường bộ…
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều Kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại; Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp; Vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm; Vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Vi phạm trong kinh doanh theo phương thức đa cấp… trên địa bàn Thành phố. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu để phòng chống ngộ độc Methanol; kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các Quận nội thành; Tăng cường kiểm tra, xử lý sản phẩm “kẹo mút cần sa”; tăng cường kiểm tra đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, số vụ thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời, số thu nộp NSNN lại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, lực lượng Công an đã phát hiện 1.427 vụ vi phạm, thu nộp NSNN 804 tỷ đồng, khởi tố 62 vụ/70 đối tượng; Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra 5.653 vụ, phát hiện, xử lý 5.337 vụ vi phạm, phạt hành chính 34,376 tỷ đồng; Lực lượng Hải quan phát hiện, xử lý 358 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 3,711 tỷ đồng.
Kết quả này cho thấy hoạt động thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng Thành phố đã được triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình, quy định của pháp luật; Thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TT ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...