60.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được “treo” vào cổ phiếu: Lo ngại “bong bóng tài sản”
Có đến gần 60.000 tỷ đồng trái phiếu được đảm bảo bằng các cổ phiếu trên sàn, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trái phiếu được đảm bảo bằng “tài sản bất định”
Trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) công bố mới đây đã cho thấy lượng trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS phát hành chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể.
Cụ thể, trong quý II/2021, trái phiếu bất động sản đạt mức 64,4 nghìn tỷ đồng, tăng 131% so với quý 1/2021 và tăng 285% so với quý II/2020. Các đơn vị phát hành nhiều nhất là những thương hiệu đình đám trong "làng" bất động sản như Vingroup, Golden Hill, BIM, Hưng Thịnh Quy Nhơn, Hưng Thịnh Land, Sunshine, Wonderland...
Tính chung nửa đầu 2021, các doanh nghiệp BĐS phát hành 92,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn 23 bps so với bình quân năm 2020 trong khi kỳ hạn bình quân giữ ở mức 3,8 năm. Các ngân hàng và CTCK đã mua 37,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS (chiếm 40,4%).
Mức tăng trưởng trên cho thấy Trái phiếu tiếp tục là kênh hút vốn ưa thích của các doanh nghiệp cũng như tiếp tục là kênh được nhiều nhà đầu tư ưa thích. Tuy nhiên, trong báo cáo của SSI Research cũng cho thấy một hiện tượng đáng chú ý là đa phần các doanh nghiệp BĐS khi phát hành trái phiếu đang lấy chính cổ phiếu được niêm yết trên sàn làm tài sản đảm bảo.
Cụ thể, theo thống kê của SSI Research nếu tính chung cả 6 tháng đầu năm tổng cộng có khoảng 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60 nghìn tỷ đồng, tức chiếm đến 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 6 tháng năm 2021.
Một trong những doanh nghiệp nổi bật trong số đơn vị lấy cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho việc huy động trái phiếu phải kể đến Novaland khi theo thống kê từ đầu năm, khoảng 10.000 tỷ đồng huy động được đảm bảo bằng giá trị cổ phiếu NVL cùng các tài sản hợp pháp khác.
Một doanh nghiệp khác cũng dùng cổ phiếu Công ty để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu, gồm Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC). Trung tuần tháng 3 năm nay, KBC đã phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là 420.000 cổ phiếu phổ thông của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng thuộc sở hữu của Kinh Bắc và 20 triệu cổ phần KBC thuộc sở hữu của bên thứ 3.
Một doanh nghiệp cũng có tên trong Top 10 phát hành trái phiếu BĐS nhiều nhất 6 tháng đầu năm là Hưng Thịnh Land. Được biết, cuối tháng 6 doanh nghiệp này cũng đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 950 tỷ đồng. Lô trái phiếu nói trên được bảo đảm bằng cổ phần của CTCP Hưng Thịnh Land và bất động sản, động sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai liên quan hoặc phát sinh từ dự án Khu Hồ Tràm, dự án Khu Phước Long B.
Những nguy cơ đặt ra
Theo nhận định của SSI Research điểm đáng chú ý trong bức tranh phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp nói chung cũng như các trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS phát hành nói riêng là trái chủ phần lớn đang là ngân hàng và các công ty chứng khoán.
Cụ thể, theo SSI Research đang có tới 55,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm là do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng mua: 44,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,3%; các công ty chứng khoán: 71,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4%. Trong khi, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tại 31/12/2020 chỉ khoảng 93.000 tỷ đồng.
Bên cạnh vấn đề đặt ra về khả năng công ty chứng khoán chỉ đứng tên mua trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp, nắm giữ ngắn hạn và nhanh chóng phân phối lại cho các nhà đầu tư khác cũng như các ngân hàng thương mại đã có thể đã mua chéo trái phiếu của nhau trên sơ cấp, SSI Research cũng đưa ra cảnh báo về khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu.
Cụ thể, theo SSI Research “việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng”.
Cụ thể, trên sàn HOSE, cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va trong 6 tháng qua đã chứng kiến đà tăng phi mã từ mức giá 59.000 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 1/2) lên đến đỉnh ở mức giá 121.000 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 29/6).
Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng gần đây, cổ phiếu NVL lại chứng kiến đà giảm giá khá mạnh từ vùng đỉnh về mức giá 104.000 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 29/7), tức mất khoảng 14% giá trị.
Với cổ phiếu KBC, thời gian qua đã chứng kiến nhiều sự biến động mạnh từ vùng đỉnh 45.500 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 25/1) xuống mức đáy tạm thời 31.000 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày12/7) sau khi hồi về mức 34.100 đồng/cổ phiếu kết phiên 29/7.
Quan sát trên thị trường cho thấy hiện hầu hết các cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS đều chịu áp lực giảm chung khi VN-Index mất 144 điểm chỉ sau chưa đầy 1 tháng giao dịch.
Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh “cần phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với bức tranh phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay Bộ Tài chính nên kiểm soát chặt chẽ vấn đề phát hành trái phiếu, cẩn trọng bẫy tín dụng, khi các nhà phát hành trái phiếu mất khả năng trả nợ, rủi ro vỡ nợ tăng lên.