8 kỹ năng giúp lãnh đạo giỏi thành phụ huynh tốt
Làm cha mẹ cũng tương tự như làm nhà quản lý. Cả hai vai trò đều đòi hỏi tinh thần lãnh đạo và đều được tạo nên dựa trên mối quan hệ mật thiết.
Julie Holliday Wayne – Giáo sư chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học Wake Forest cho biết như vậy trên Fast Company.
Do vậy, một số kỹ năng tại nơi làm việc có thể giúp nhà lãnh đạo đảm đương tốt vai trò làm phụ huynh, mặc dù trẻ con nhỏ tuổi và ngang bướng hơn nhiều so với những thuộc cấp của họ.
Dưới đây là 8 kỹ năng hữu dụng trong việc phát triển doanh nghiệp, đồng thời có thể giúp nhà lãnh đạo trở thành bậc phụ huynh tốt:
1. Tư duy chiến lược
Theo Holliday Wayne, các công ty có tầm nhìn về đường hướng phát triển và định hình rõ các giá trị của mình sẽ hoạt động hiệu quả hơn những công ty khác. Tương tự, các bậc làm cha mẹ phải có một tầm nhìn cho gia đình, bao gồm các giá trị và sự ưu tiên.
“Nếu không có tầm nhìn, định hướng cho gia đình và những đứa trẻ của mình, các bậc phụ huynh có nguy cơ phải đón nhận một tương lai mình không hề mong muốn.
Thay vì tập trung vào các nguyên tắc cứng nhắc, kiểu như “Không được dùng điện thoại trên bàn ăn”, hãy giúp trẻ hiểu về những giá trị gia đình – điều đã khiến bạn phải đề ra nguyên tắc đó”, Holliday Wayne gợi ý.
2. Quản lý linh hoạt theo từng cá nhân
Tương tự như việc nhà lãnh đạo đặt kỳ vọng khác nhau cho từng nhân viên, các bậc làm cha mẹ cũng phải dựa vào các đặc điểm, tính cách, sở trường, sở đoản và nhiều yếu tố khác để đặt ra kỳ vọng riêng đối với mỗi đứa trẻ của mình.
3. Quản lý thời gian
“Để hoàn thành núi công việc dày đặc của mình đúng thời hạn, nhà lãnh đạo giỏi luôn biết đề ra những ưu tiên hợp lý. Tương tự, bằng cách áp dụng kỹ năng quản lý thời gian, cha mẹ có thể đáp ứng hiệu quả những đòi hỏi liên tục trong cuộc sống hàng ngày cùng với trẻ con, như chăm lo việc học hành, cho chúng đi khám bệnh, tập thể thao, vui chơi giải trí…”, Sara Villanueva - Giáo sư Tâm lý học của Đại học St. Edward nói.
“Lãnh đạo giỏi phải dành thời gian để lập kế hoạch công việc, xây dựng đội ngũ, thiết lập và trau dồi văn hóa doanh nghiệp. Những kỹ năng này cũng cần phải được phát huy tại gia đình. Dành thời gian riêng cho tổ ấm của mình cũng giống như việc tôi dành thời gian để họp hành, giải quyết công việc. Điều này thực sự tạo ra hiệu quả tích cực. Bởi tôi và chồng mình cần có thời gian để thư giãn và các con của chúng tôi cũng cần phải có thời gian để vui chơi. Chúng tôi không dành tất cả cuộc sống của mình cho bất kỳ một ưu tiên nào”, Wendy Murphy – Giáo sư về Quản lý tại Đại học Babson, đồng tác giả cuốn Strategic Relationships at Work cho biết.
4. Vận dụng tính kiên nhẫn
Khi nhân viên phạm sai lầm, nhà lãnh đạo giỏi biết rằng đây là cơ hội để họ học hỏi những điều mới và học cách sửa sai. Vì thế, nhà lãnh đạo buộc phải kiên nhẫn.
Người làm cha mẹ cũng phải kiên nhẫn như vậy. Russell Clayton – Trợ lý giáo sư về Quản lý tại Đại học Saint Leo chia sẻ: “Mọi thứ sẽ trơn tru hơn nhiều nếu tôi làm giúp những phần việc nhỏ của đứa con mới lên 3 tuổi. Tuy nhiên, nếu như vậy, nó sẽ không bao giờ học được cách tự làm những phần việc đó. Mặc dù có thể nó sẽ không hoàn thành tốt được những nhiệm vụ của mình, cảm giác thất vọng sẽ nhanh chóng qua đi sau khi nó học được cách tự lập”.
5. Hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau
Sara Villanueva cho rằng làm việc chung một đội nghĩa là các thành viên cùng chia sẻ những mục tiêu chung và hỗ trợ nhau đạt được mục tiêu đó. Văn hóa chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau rất cần thiết cho môi trường làm việc cũng như trong gia đình.
“Khi chúng ta giúp trẻ con hiểu được tinh thần hợp tác, chia sẻ, chúng sẽ biết rằng: dù làm bất cứ việc gì, chúng cũng không hề cô độc, và khi đồng lòng, một tập thể sẽ dễ dàng đạt được những mục tiêu chung hơn”, Sara Villanueva nói.
6. Truyền đạt thông tin 2 chiều
Lãnh đạo giỏi là người biết cách lắng nghe và đặt câu hỏi để thật sự hiểu rõ vấn đề.
Holliday Wayne gợi ý: “Trong mối quan hệ với con cái, cha mẹ dễ rơi vào tình trạng chỉ huy và cho lời khuyên trong khi có thể trẻ con chỉ đơn giản là muốn được lắng nghe và quan tâm. Giống như nhà quản lý, cha mẹ sẽ giao tiếp hiệu quả hơn với con cái nếu họ biết cách dùng những lời lẽ tập trung vào hành động thay vì vào con người. Ví dụ, đừng nói “Con thật lười biếng. Con luôn nằm ườn trong phòng chơi game và không bao giờ dành thời gian cho gia đình” mà hãy nói “Hôm nay con đã dành 2 tiếng để chơi game trong phòng. Cha/mẹ sẽ đánh giá cao việc con dành 1 tiếng cho mọi người trong gia đình”.
7. Lựa chọn có “chiến đấu” hay không
“Tình trạng tồn tại nhiều ý kiến trái chiều thường xuyên xảy ra tại nơi làm việc, và bạn phải xem xét từng trường hợp để quyết định có đáng để “chiến đấu” hay không. Có những tình huống tôi thấy mình buộc phải góp phần vào các cuộc thảo luận căng thẳng, thường là vì sự phát triển của một chiến dịch hoặc để điều chỉnh một chính sách nào đó chưa phù hợp. Còn một số vấn đề khác đôi khi tôi nghĩ không đáng phải tốn thời gian và công sức để tranh luận”, Russell Clayton nói.
Làm cha mẹ cũng tương tự như vậy. “Nếu trời đang rất lạnh mà đứa con 3 tuổi của tôi lại muốn mặc mỗi chiếc áo thun yêu thích thì tôi buộc phải “chiến đấu” với nó. Vì tôi không muốn nó bị lạnh, thậm chí có thể đổ bệnh. Mặt khác, thỉnh thoảng nó thích mặc những bộ quần áo có vẻ không phù hợp lắm thì cũng không sao. Vì việc này thật ra không đáng để tranh cãi”, Russell Clayton cho biết thêm.
8. Vận dụng trí tuệ cảm xúc
“Nhờ trí tuệ cảm xúc, nhà lãnh đạo giỏi có thể hiểu được xu hướng, điểm mạnh, điểm yếu của chính mình cũng như hiểu được cảm xúc của người khác. Điều này giúp họ tăng cường sự gắn kết với nhân viên. Kỹ năng này cũng rất cần thiết trong việc nuôi dạy con cái. Một phụ huynh tốt sẽ biết cách giữ bình tĩnh khi con cái cư xử “khủng khiếp” hoặc không đáp ứng được những kỳ vọng của mình”, Holliday Wayne nhận định.