80% doanh nghiệp chưa nắm rõ về giảm phát thải
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Điều đáng nói, hiện 80% doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ các chính sách về giảm phát thải.
Doanh nghiệp loay hoay
Bà Đỗ Thị Thu Hương - đại diện Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho biết, hiện nhiều nước đã cam kết phát thải ròng bằng 0.
Cụ thể, 12 nước đã ban hành luật như Thụy Điển, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc…; 31 nước đã có chính sách như: Phần Lan, Singapore, Ý, Hoa Kỳ, Áo…; 15 nước đã có tuyên bố/cam kết như: Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Malaysia, Thái Lan…
Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia phát thải lớn nhất tại ASEAN. Thực tế, nước ta đã quan tâm tới chính sách giảm phát thải từ khá sớm cùng nhiều biện pháp hành động quyết liệt, với việc ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25.9.2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, định hướng đến năm 2030 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 - 30% so với phương án phát triển bình thường.
Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngay sau đó, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Chính phủ đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Tuy vậy, con số rất đáng chú ý được đại diện Ban IV dẫn kết quả khảo sát với 400 doanh nghiệp về mức độ nhận thức đối với các chính sách, cơ chế liên quan giảm phát thải và thị trường carbon cho thấy, 41% doanh nghiệp không biết đến một trong những chính sách được hỏi liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, chưa đến 20% doanh nghiệp nắm rõ chính sách về các nội dung liên quan đến giảm phát thải, đồng nghĩa 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách này.
Từ năm 2023, EU sẽ thí điểm Cơ chế điều chỉnh hạn ngạch carbon (CBAM) đối với doanh nghiệp xuất khẩu và sẽ chính thức áp dụng vào năm 2026. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu phải được khai báo bởi đại lý được ủy quyền tại châu Âu và bị áp thuế theo tổng lượng phát thải CO2 thay vì lượng phát thải vượt quá hạn ngạch. Các mặt hàng bị áp dụng là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, năng lượng điện.
Còn ở Hoa Kỳ, CBAM nếu được thông qua thì thời gian áp dụng của Đạo luật Cạnh tranh Sạch sẽ từ năm 2024, không có thời gian thí điểm. Tuy nhiên, khảo sát của Ban IV cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp nắm được nội dung về CBAM, 53% doanh nghiệp không biết. Nhiều doanh nghiệp quan tâm nhưng không biết tìm từ nguồn nào. Đây là thách thức rất lớn, vì Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU rất lớn, lần lượt khoảng 96 tỷ USD và 46 tỷ USD vào năm 2021.
Sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon
Theo các chuyên gia, muốn cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc nâng cao nhận thức đối với cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các thông tin, chính sách liên quan đến giảm phát thải cũng như các cam kết của Chính phủ tại COP 26. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc, đồng thời đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, khung pháp lý về thị trường carbon hiện rất rõ, gồm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, từ năm 2025 bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 chính thức vận hành thị trường này. Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu tâm tới lộ trình này để có chiến lược và kế hoạch thích ứng kịp thời.
Để các doanh nghiệp chủ động tham gia thị trường này, ông Chinh cho rằng, Bộ Tài chính cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ, để chuẩn bị đến năm 2025 vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Về phía doanh nghiệp cần nâng cao vai trò chủ động. Nếu sản xuất dẫn đến phát thải khí nhà kính cần xác định lượng phát thải. Đối với doanh nghiệp trung gian kinh doanh thông qua dịch vụ thị trường tín chỉ carbon cần chủ động tìm hiểu thị trường, dự báo khả năng, nguồn lực đầu tư và hạ tầng kỹ thuật tham gia thị trường.
Cùng với đó, các bên liên quan như các hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần chủ động giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về thị trường carbon. Với vai trò như bà đỡ cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ xây dựng và tổ chức triển khai cơ chế, chính sách đến hỗ trợ về hạ tầng và công tác hành chính sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia tốt nhất thị trường này, ông Chinh lưu ý.