9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giá

PV.

(Tài chính) Ngày 5/4, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 48 năm ngày truyền thống ngành Giá Việt Nam (6/4/1965 - 6/4/2013). Tại buổi gặp mặt này, thay mặt tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí đã ghi nhận, biểu dương những cống hiến sự đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ ngành Giá Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đối với công tác giá mà Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính giao phó.

9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giá
Thừa ủy quyền, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá

Nhìn lại lịch sử 48 năm qua, toàn ngành Giá đã vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác tham mưu cho Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp về công tác quản lý, điều hành giá phục vụ thắng lợi, việc thực hiện các mục tiêu tổng quát điều hành nền kinh tế - xã hội. Với sự nỗ lực phấn đấu đó, ngành Giá đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, trong công tác tham mưu, toàn Ngành thường xuyên đề xuất với lãnh đạo các cấp về công tác quản lý, điều hành giá và tổ chức thực hiện quản lý, điều hành giá theo hướng nhất quán và kiên trì cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp tạo tác động tích cực đến mặt bằng giá để bình ổn giá như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ; thực hiện các chính sách tài khoá, tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá; các giải pháp bình ổn giá trong tổng thể các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội...

Trong công tác thông tin giá cả thị trường, ngành Giá luôn theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả thị trường; chủ  động thu thập, phân tích, dự báo diễn biến giá cả phục vụ việc xây dựng các giải pháp bình ổn giá; thường xuyên tuyên truyền về chủ trương chính sách giá, các giải pháp điều hành giá của Nhà nước góp phần giúp các tầng lớp trong xã hội hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong lĩnh vực quản lý, điều hành giá.

Đứng trước những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Cục Quản lý giá đã đề ra mục tiêu quản lý, điều hành giá năm 2013 là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; điều hành giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước với lộ trình phù hợp và yêu cầu kiểm soát lạm phát; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm tra thanh tra theo quy định của pháp luật góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở mức khoảng 6-6,5%.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cũng chỉ đạo ngành Giá cần quyết liệt tập trung triển khai 9 nhiệm vụ quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, triển khai đồng bộ các nội dung của Luật Giá, điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ này…đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh, xã hội.

Thứ hai, tập trung đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá theo quy định của Luật Giá.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định kiểm soát giá đối với những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá ở các bộ, cơ quan, địa phương; chủ động rà soát, kiểm tra các yếu tố hình thành giá thông qua công tác đăng ký giá, kê khai giá; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa để kịp thời đề xuất các biện pháp điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống, an sinh xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

Thứ năm, chủ động tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường và thanh tra giá để kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là các thời điểm mùa vụ hoặc thời gian có khả năng sốt giá như các dịp lễ, hội, cuối năm,...

Thứ sáu, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giá đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý và các dịch vụ giáo dục, y tế ; tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than, nước sạch..., bảo đảm khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; dự báo tác động do biến động giá của các mặt hàng này đối với chỉ số giá tiêu dùng để có giải pháp kiểm soát phù hợp.

Thứ bảy, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện các chương trình thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách, chủ trương điều hành giá cả, thị trường để minh bạch thị trường, đáp ứng mục tiêu cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ, rõ ràng thông tin thị trường, giá cả.

Thứ tám, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức trong Ngành ý thức trách nhiệm luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; luôn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch có thái độ phục vụ và ý thức công vụ một cách tốt nhất.

Thứ chín, trong quá trình lãnh đạo điều hành, lãnh đạo ngành Giá tiếp tục phát động phong trào thi đua có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian; có sơ kết, tổng kết nhân điển hình tiên tiến trong nội bộ Ngành kể cả các đơn vị ngoài Ngành điển hình làm tốt về giá để khen thưởng động viên kịp thời.