95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế
Thông tin từ Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, tỷ lệ dân số người cao có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95%. Đây là một trong những nỗ lực thực hiện nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là cải thiện, bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân, trong đó có người cao tuổi (NCT).
Tại Hội thảo “Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, chính sách trợ cấp xã hội, an sinh xã hội cho người cao tuổi đã giải quyết hiệu quả. Theo đó, tất cả đối tượng người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đều được hưởng trợ cấp NCT; NCT khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được giải quyết trợ cấp theo quy định.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2030, chính sách NCT cần tập trung vào các vấn đề như: Chăm sóc, phát huy vai trò của NCT; thực hiện phương châm của Liên hợp quốc "Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc"; xây dựng môi trường phát huy vai trò của NCT tham gia Mặt trật Tổ quốc, xây dựng đảng ở các địa phương, tham gia vào việc nuôi dạy cháu con...; tăng tỷ lệ tham gia BHYT; Quan tâm phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ chăm sóc NCT, có cơ chế chính sách khuyến khích cơ sở tư nhân trong việc chăm sóc, cung cấp dịch vụ cho NCT.
Theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội, các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020 cơ bản đều hoàn thành, phát huy được vai trò của NCT trong hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; chăm sóc sức khỏe cho NCT được cải thiện rõ rệt; đời sống vật chất của đại bộ phận người cao tuổi được nâng cao; đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện, tuổi thọ nâng lên.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo còn cao, gấp đôi mức bình quân chung cả nước, một bộ phận NCT khi ốm đau, tai nạn thương tích chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời... Trước thực tế đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021-2030, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với cảc dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm quyền an sinh xã hội của NCT về chăm sóc xã hội, chăm sóc y tế. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, xây dựng xã hội gắn kết nhiều thế hệ, tôn trọng và trợ gìúp NCT.
Ngoài ra, mục tiêu chương trình đề ra cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ NCT nghèo xuống ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Mở rộng độ bao phủ NCT được hưởng chính sách trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội) lên 1,5-2% một năm so với tổng số người đang hưởng trợ cấp xã hội; 100% NCT có hoàn cảnh khó khăn không có người phụng dưỡng được trợ giúp chăm sóc tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc NCT, trong đó ít nhất 80% NCT được chăm sóc tại cộng đồng; 95% NCT có thẻ BHYT với các hình thức khác nhau; ít nhất 90% tổng số xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Bên cạnh đó, hướng tới 70% tổng số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho NCT và 30% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh có khoa lão khoa. 60% cấp xã, 30% thôn, bản có các thiết chế văn hóa phù hợp với NCT. Ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình khác nhằm chăm sóc và phát huy vai trò NCT, trong đó trên 70% NCT trên địa bàn tham gia và hưởng lợi.