Giải ngân vốn đầu tư công "ì ạch"


Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2021 đạt thấp và thấp hơn cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý là nguồn vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguồn vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân

Theo báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 2 tháng và ước thực hiện 3 tháng năm 2021 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/3/2021 là 60.749,64 tỷ đồng, đạt 11,95% kế hoạch (508.258,88 tỷ đồng) và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), cùng kỳ năm 2020 đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thanh toán vốn trong nước là 60.409,03 tỷ đồng (đạt 13,23% kế hoạch); vốn nước ngoài là 340,61 tỷ đồng (chỉ đạt 0,66% kế hoạch).

Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 03 tháng đầu năm 2021 đạt thấp và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý là nguồn vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân với tỷ lệ giải ngân 03 tháng chỉ đạt khoảng 0,66%.

Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Có tới 44/50 bộ và 27/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10% và 31 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Chỉ có 03 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch. Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (43,24%), Bộ Công an (31,62%), Bắc Ninh (30,2%), Hưng Yên (28,67%), Thanh Hóa (27,79%), Hà Nam (27,63%).

Nhiều nguyên nhân làm chậm giải ngân

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 3 tháng đầu năm 2021 đạt thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, những tháng đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang tập trung giải ngân vốn 2020 kéo dài sang năm 2021 song song vói việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đầu năm 2021 còn thấp.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư, điển hình là dự án đường cao tốc Bắc - Nam; các chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... cần nhiều thòi gian để có khối lượng thanh toán; công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích... cũng làm chậm tốc độ giải ngân.

Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.

Thực hiện dự án ngay sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát số vốn kế hoạch năm 2021 còn lại đến nay chưa phân bố chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xét, quyết định đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2021, triển khai thực hiện dự án ngay sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn đầu tư; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang); hoàn thiện các thủ tục tập trung giải ngân vốn nước ngoài kế hoạch năm 2021 đã được phân bổ.

Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án. Có chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiên độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Các bộ, ngành chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 cần khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất phương án bố trí vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ vốn cho các địa phương thực hiện.