Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:
Ngành Tài chính góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước
Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2022", thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt những kết quả tích cực của ngành Tài chính trong nửa năm qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Kịp thời đề xuất ban hành chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thống nhất và đánh giá cao những kết quả mà ngành Tài chính đạt được trong nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng kết quả tăng trưởng GDP trong quý II/2022 tăng cao nhất so với quý II của các năm trong giai đoạn 2011-2022. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự kiến. Có được kết quả trên là nhờ sự quyết liệt, trong chỉ đạo điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ khi ban hành nhiều chính sách đúng đắn, kịp thời. Nhờ đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng cao, sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc...
Đóng góp vào thành công chung của cả nước, trong 6 tháng qua, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của ngành Tài chính. Khẳng định điều này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất ban hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19; chủ động bố trí nguồn kinh phí NSNN và huy động đóng góp tự nguyện của DN và người dân cho các công tác phòng, chống dịch COVID-19...
Bộ Tài chính cũng đã chủ động triển khai và đạt được nhiều mặt về công tác xây dựng thể chế, chủ động triển khai hàng loạt chính sách tài khóa theo định hướng của Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế của cả nước. Toàn ngành Tài chính đã nỗ lực, sáng tạo, nghiên cứu, tham mưu nhiều giải pháp huy động nguồn lực, phát huy hiệu quả và được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao. Trong đó, phải kể đến Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 36/2022/NĐ-CP về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn, áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ quyết định về nguyên tắc phân bổ 6.600 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP...
Nhờ sự chủ động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kết quả đạt được của toàn ngành Tài chính trong 6 tháng đầu năm 2022 rất tích cực. Số thu NSNN 6 tháng đầu năm của ngành Tài chính đạt 66,7% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả ghi nhận nỗ lực vượt bậc của toàn ngành Tài chính trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nửa đầu năm và phải thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí cho người dân, DN.
Công tác chi NSNN đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách; cân đối NSNN đảm bảo; nợ công được kiểm soát, giữ được kỷ cương kỷ luật tài chính. Bộ Tài chính cũng chú trọng tăng cường quản lý nhà nước để phát triển đồng bộ thị trường tài chính; điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát...
Phấn đấu đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2022
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các ngành các cấp, các địa phương, trong đó có Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến tình hình diễn biến trong nước và quốc tế để kịp thời ứng phó với các tình huống, phấn đấu đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2022 đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, cần phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2022 và 3 năm tới. Để đạt được mục tiêu này, cần sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các bộ, ngành và địa phương, trong đó có nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính.
Trong 6 tháng cuối năm, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài chính cần tiếp tục tập trung chỉ đạo toàn Ngành nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...
Đồng thời, rà soát vấn đề thể chế, tập trung rà soát những điểm chồng chéo, rào cản cho sản xuất – kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. Bộ Tài chính cũng cần tập trung rà soát, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số hóa trong cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Định kỳ đối thoại với DN, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế...
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho DN, cá nhân kinh doanh; quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; chống thất thu, chống chuyển giá, tiếp tục hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, chủ động đề xuất, ban hành, thí điểm các chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số...
Bên cạnh đó, điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao; Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả thị trường; đôn đốc, triển khai nghị quyết của Quốc hội về giảm kịch sàn mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm; Quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh do lỗi kỹ thuật...
Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện nghiêm túc các kết luận của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán; chuyển đổi cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm...
Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm, cùng truyền thống đoàn kết, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, ngành Tài chính sẽ hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN cả năm 2022 đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2022, tạo tiền đề tích cực cho công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2023-2025 và các năm tiếp theo.