Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn:

Ngành Thuế phấn đấu hoàn thành mức cao nhất thu ngân sách nhà nước năm 2022

Việt Dũng

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kết quả thu ngân sách của ngành Thuế đạt khá, cơ cấu thu ngân sách có những chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo động lực để ngành Thuế phấn đấu hoàn thành mức cao nhất thu ngân sách nhà nước năm 2022.

Nguồn tăng thu đạt được chủ yếu từ nội lực nền kinh tế

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, qua 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý đạt kết quả khá, bằng 66,5% dự toán (cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt 45,8% dự toán; năm 2021 đạt 59% dự toán). Đã có 60/63 địa phương và 16/19 khoản thu, sắc thuế thu đạt khá (trên 50% dự toán). Nếu tính riêng chỉ tiêu thuế phí thì có 58/63 địa phương đạt trên 50% dự toán.

Điểm sáng trong cơ cấu thu, nguồn thu từ khu vực sản xuất kinh doanh (chiếm trên 50,5% tổng thu nội địa) nhiều năm qua đạt thấp (năm 2020 chỉ đạt 38,8%, năm 2021 chỉ đạt 57,3%) thì trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt khá với tổng thu 376,5 ngàn tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán, có 54/63 địa phương đạt trên 50% dự toán.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, có được kết quả trên là nhờ sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự ủng hộ, tham gia chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Bộ Tài chính, của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cơ quan thuế các cấp triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa tiền tệ, công tác xử lý nợ, quản lý chống thất thu ngân sách...

Nhất là trong quý I/2022, khi đợt dịch COVID-19 lan rộng trên cả nước và bước sang quý II/2022, khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, nhờ sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định. Cùng với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành với nhiều giải pháp đồng bộ đã tạo đà tăng trưởng cao cho nền kinh tế. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tổng thu NSNN trong 6 tháng qua tăng cao; cơ cấu thu ngân sách có những chuyển biến tích cực; Tổng thu do cơ quan thuế quản lý chiếm tỷ trọng trên 83% tổng thu NSNN, nguồn tăng thu chủ yếu từ nội lực nền kinh tế.

Điều này được thể hiện rõ nét ở những ngành, lĩnh vực kinh tế trong quý III và quý IV/2021 bị đình trệ, ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, thì 6 tháng đầu năm 2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng, tạo nguồn tăng thu cho NSNN. Cụ thể như: thu từ khai khoáng tăng trên 20%; thu từ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tăng 14%; thu từ dịch vụ kho bãi, vận chuyển, lưu trú tăng trên 18%; thu từ hoạt động dịch vụ tài chính ngân hàng bảo hiểm tăng xấp xỉ 10%... Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng thu khá từ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cơ cấu thu tăng trưởng bền vững hơn.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành Thuế được minh họa tại Hội nghị. 
Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành Thuế được minh họa tại Hội nghị. 

Bên cạnh đó, kết quả chống thất thu qua thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế cũng rất tích cực, đạt trên 33.000 tỷ đồng; trong đó thanh tra, kiểm tra đạt trên 17.000 tỷ đồng; thu hồi nợ thuế đạt trên 16.000 tỷ đồng. Về thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT, ngành Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai đối với các DN hoàn thuế có rủi ro cao (đã có đơn vị truy hoàn hơn 100 tỷ đồng như Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang - tỉnh Đồng Nai...).

Trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành Thuế đã tăng cường cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ người nộp thuế. Cụ thể, với việc triển khai ứng dụng Etax - Mobile từ tháng 3/2022, ngành Thuế mong muốn cung cấp thêm lựa chọn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN bằng phương thức điện tử thông qua các thiết bị di động thông minh mà không phải đến trực tiếp cơ quan thuế, tạo thuận tiện và giảm thời gian, chi phí cũng như những rủi ro cho người nộp thuế. Ngành Thuế cũng xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam như Google, Facebook, Amazone… có thể khai, nộp thuế vào NSNN Việt Nam từ bất cứ đâu trên thế giới...  

"Công tác triển khai hóa đơn điện tử được Lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm. Khi triển khai giai đoạn 1 vào tháng 11/2021 tại 6 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến dự và chỉ đạo. Ngày 21/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đến dự, chỉ đạo và phát động triển khai trên cả nước, qua đó huy động cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc. Việc triển khai thành công HĐĐT trên toàn quốc góp phần chống gian lận về hóa đơn, giúp tăng thu cho NSNN", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, minh chứng cho điều này là kết quả thu thuế GTGT 6 tháng đầu năm cho thấy dù thực hiện chính sách giảm 20% mức thuế suất thuế GTGT đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên số thu thuế GTGT 6 tháng đầu năm vẫn tăng 13,5% so cùng kỳ, trong đó 6 địa phương triển khai HĐĐT sớm từ giai đoạn 1 tăng 16% so cùng kỳ. Tính riêng từ ngày 1-7/7/2022, số lượng HĐĐT thực hiện qua hệ thống đã tăng gần gấp đôi...

Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất thu NSNN năm 2022

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá, tuy nhiên không thể chủ quan, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu, khai thác tăng thu để đảm bảo hoàn thành dự toán thu ở mức cao nhất trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm, dự báo nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch COVID-19 với nguy cơ quay trở lại do những biến chủng mới; áp lực lạm phát tăng cao; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt… Ngành Thuế đối mặt với những áp lực lớn trong việc hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2022 khi phải tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế trong Chương trình hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội...  

Trong bối cảnh đó, toàn ngành Thuế quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2022. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang chỉ đạo rà soát kỹ các nguồn thu và bám sát các kịch bản tăng trưởng tổng thể, tăng trưởng GDP để có kịch bản thu ngân sách phù hợp, sát với tình hình thực tế và tham mưu cho Bộ Tài chính trong điều hành thu ngân sách trong những tháng cuối năm.

Hệ thống Thuế các cấp cũng sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; đẩy mạnh quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử; tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý...

Song song với đó, nhằm đảm bảo triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao năm 2022, vừa qua tại Hội nghị sơ kết, ngành Thuế đã đề ra 8 nhiệm vụ và 19 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, toàn ngành Thuế sẽ tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao là 1.174.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất của Quốc hội, Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn tăng thu bền vững cho NSNN. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Nhấn mạnh về công tác chuẩn bị cho công tác xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 - năm xác định lại tỷ lệ điều tiết cho các địa phương và xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn năm 2023-2025, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng dự toán thu sát thực tế có ý nghĩa quan trọng, là động lực khai thác tăng thu đối với từng địa phương và sử dụng ngân sách một cách hiệu quả đối với ngân sách các cấp, tạo tiền đề để triển khai thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025.

"Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu NSNN năm 2023, dự kiến thu 3 năm 2023-2025. Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành Thông tư về lập dự toán thu NSNN năm 2023, dự kiến thu 3 năm 2023-2025. Ngành Thuế kính mong các đồng chí Lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc phân tích, đánh giá sát nguồn thu năm 2022, đặc biệt là đối với khoản thu tiền sử dụng đất, làm nền tảng để xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 sát thực, chắc chắn, phù hợp với khả năng phát sinh và đặc điểm nguồn thu trên địa bàn", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chia sẻ.