ADB: Đối tác công – tư tại châu Á có nhiều dư địa phát triển
Báo cáo Giám sát đối tác công – tư (PPP) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố nhận định, các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương với thị trường tài chính phát triển, các thể chế tài chính địa phương vững mạnh và nguồn tài chính đa dạng có nhiều khả năng bảo đảm cho các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Thông qua cung cấp thông tin và dữ liệu chuyên sâu về môi trường kinh doanh cho các hoạt động PPP theo thời gian, Báo cáo sẽ giúp ích cho cả các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng trong tiếp cận các cơ hội ở nhiều quốc gia khu vực.
Đây là ấn bản đầu tiên của báo cáo này, trong đó khảo sát 09 quốc gia trong khu vực gồm: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Báo cáo sẽ được mở rộng để bao gồm các quốc gia khác trong những ấn bản thường niên tiếp theo. Những cập nhật hàng năm của báo cáo sẽ nêu bật các cải cách quan trọng mà qua đó có thể thu hút hoặc ngăn cản các nhà đầu tư, đồng thời cho phép các nhà hoạch định chính sách giám sát tiến triển trong môi trường PPP.
“Các dự án PPP góp phần hết sức quan trọng vào sự phát triển của các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cần có môi trường thuận lợi để các dự án này có thể thành công. Báo cáo này sẽ giúp cả các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư đưa ra những quyết định được thông tin đầy đủ, quản lý rủi ro tốt hơn và bảo đảm một môi trường ổn định hơn cho các dự án PPP”, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết.
Báo cáo nhận định, Ấn Độ, Philippines và Thái Lan có các thị trường tài chính phát triển nhất, có thể cung cấp những khoản vay dài hạn (trên 10 năm) bằng đồng nội tệ để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng. Các thị trường này cũng có nhiều giải pháp tài chính đa dạng, bao gồm tài trợ bằng trái phiếu.
Trong khi đó, báo cáo ghi nhận Trung Quốc có số lượng lớn nhất các dự án PPP đã hoàn tất các thỏa thuận tài chính. Song vẫn có thể gia tăng quy mô các dự án PPP trong nước bằng cách dựa vào các công ty tư nhân nhiều hơn.
Trong những xu hướng chủ đạo được nhận thấy ở báo cáo năm nay, sản xuất năng lượng là một trong các lĩnh vực thành công nhất trong việc xây dựng các khuôn khổ PPP. Sản xuất địa nhiệt và năng lượng tái tạo là những lĩnh vực chi phối tại đa số các quốc gia được khảo sát. Ngành nước cũng là một lĩnh vực chủ đạo của hoạt động đầu tư PPP, với hơn 40% các dự án PPP tại Trung Quốc thuộc lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, báo cáo cho biết các quy định về đầu tư theo hình thức PPP được ban hành năm 2015 (Nghị định 15) đã xây dựng khung pháp lý nhằm thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.
Từ năm 1990 tới năm 2016, Việt Nam đã hoàn tất thủ tục cho 84 dự án PPP với tổng số vốn lên tới 16,2 tỷ USD, với 79% các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, chưa có dự án PPP nào được triển khai trong khuôn khổ quy định mới nhất này.
Báo cáo Giám sát PPP nhận thấy, những thách thức hiện thời bao gồm các vấn đề bảo đảm an toàn cho bên cho vay nước ngoài, do khung pháp lý hiện hành về tăng cường tín dụng và các cơ chế bảo lãnh vẫn chưa rõ ràng, cùng những hạn chế về thế chấp quyền sử dụng đất cho các ngân hàng nước ngoài khi đất đai được cấp trên cơ sở cho thuê miễn phí.
Cũng theo báo cáo này, với sự tham gia của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực hạ tầng xã hội còn khá mới mẻ, tiến triển của các dự án PPP trong những lĩnh vực xã hội, nhất là y tế và giáo dục, vẫn còn chậm trên toàn khu vực. Ấn Độ là quốc gia thành công nhất và đã triển khai được một số dự án PPP trong ngành y tế, dù các nước khác cũng đã bắt đầu phát triển các dự án PPP tương lai trong lĩnh vực xã hội.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức đối với sự phát triển của hình thức PPP trong tương lai, bao gồm sự gia tăng các phương thức tài chính, đa dạng hóa hơn nữa mạng lưới các nhà đầu tư, quản lý rủi ro biến động giao thông trong các dự án giao thông, phát triển một danh mục các dự án PPP đáng tin cậy, hay việc mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài năng lượng.
Ông Alexander N.Jett, chuyên gia về PPP thuộc Văn phòng PPP của ADB chia sẻ: “Có rất nhiều cách để các quốc gia có thể khắc phục những khó khăn trong việc phát triển phương thức PPP. Một số giải pháp bao gồm vận dụng hơn nữa việc tăng cường tín dụng để thu hút các điều khoản tài trợ tốt hơn, giảm bớt sự hạn chế đối với sở hữu của nước ngoài trong các hợp đồng PPP và áp dụng các hệ thống thanh toán niên kim dựa trên hiệu quả hoạt động thay vì lưu lượng giao thông để giảm thiểu các rủi ro giao thông”.
"Tăng cường năng lực thể chế để rà soát và ưu tiên cho các dự án có thể giúp các quốc gia xây dựng một danh mục những dự án PPP đáng tin cậy, trong khi việc xây dựng quy chế cụ thể của ngành cho các lĩnh vực phi năng lượng có thể giải quyết những quan ngại liên quan tới các vấn đề chính về tính khả thi để tài trợ, ví dụ như rủi ro tỷ giá hối đoái”, ông Alexander N.Jett cho biết thêm