ADB đưa ra 3 trụ cột giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh; Cải thiện tính đồng đều trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ; Cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là 3 trụ cột chính mà Ngân hàng Phát triển châu Á bàn về giải pháp hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế.
Tại buổi họp báo về chiến lược và chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 diễn ra sáng ngày 11/10, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nêu ra 3 trụ cột chính hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế.
Thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh
ADB sẽ giúp Chính phủ Việt Nam tiến hành các cải cách kinh tế thị trường sâu sắc hơn để tăng cường tạo việc làm và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
ADB sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ và tác động của cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân phát triển, thúc đẩy cải thiện kết nối kỹ thuật để phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam và thông qua thương mại quốc tế.
Xuyên suốt các hoạt động này là các nỗ lực thúc đẩy một hệ thống chi tiêu công và quản lý ngân sách minh bạch hơn, có trách nhiệm giải trình cao hơn.
Cụ thể, với sự đan xen cao trong hệ thống tài chính và giữa các ngân hàng với nền kinh tế thực, ADB sẽ hỗ trợ cải cách cơ cấu thông qua các chương trình bổ trợ để cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính.
Những hỗ trợ của ADB cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp và sự minh bạch của các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ công cơ bản, nhấn mạnh đến các chính sách nhằm giảm bớt vai trò sở hữu và tăng cường năng lực quản lý của nhà nước.
Thông qua Chương trình Phát triển khu vực tài chính, ADB sẽ giúp hệ thống tài chính hoạt động theo hướng thương mại và phát triển sâu rộng hơn.
Hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp phát triển hạ tầng pháp lý và giám sát đối với thị trường vốn, hỗ trợ mở rộng, gia tăng các dịch vụ tài chính, bao gồm tín dụng vi mô và công nghệ tài chính.
Để quản lý những rủi ro đan xen tốt hơn, ADB sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực để tăng cường giám sát rủi ro hệ thống và hỗ trợ chính sách an toàn vĩ mô.
Bên cạnh đó, ADB sẽ hỗ trợ cải thiện kết nối hạ tầng kỹ thuật bao gồm các đường cao tốc và cầu nối giữa các trung tâm tăng trưởng lớn. Mục tiêu là giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất và cải thiện tiếp cận với các dịch vụ công then chốt.
Một chương trình hỗ trợ tư vấn sẽ gắn các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với quản lý khu vực công thông qua việc hỗ trợ rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật để dỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với thương mại, đặc biệt nhấn mạnh vào việc đơn giản hóa thủ tục thương mại và hải quan.
Ngoài ra, ADB sẽ hỗ trợ các hoạt động thương mại và tạo việc làm thông qua một loạt hoạt động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện tiếp cận dịch vụ tài chính và nâng cao năng suất.
Hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ chương trình MBI (Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông) sẽ hỗ trợ xây dựng một chương trình cho vay chính sách đổi mới sáng tạo và phát triển khu vực tư nhân.
Chương trình này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và chính sách đổi mới sáng tạo, thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giúp phát huy nguồn vốn và kinh nghiệm, kiến thức của doanh nghiệp tư nhân, thành lập các cơ chế thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam…
Để thúc đẩy những nỗ lực cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh, ADB cho biết, sẽ hỗ trợ các chương trình giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề chính quy và đào tạo tay nghề kỹ thuật sau phổ thông trung học, gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động.
Chương trình sẽ bao gồm tăng cường kỹ năng nghề, công nghệ, nâng cao nhận thức và một số biện pháp khác để nâng cao năng suất trong nông nghiệp, kết nối chuỗi giá trị và an toàn vệ sinh thực phẩm.
ADB cũng sẽ góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ các chương trình đối tác công - tư (PPP). Văn phòng PPP của ADB sẽ tăng cường nỗ lực hành động như một trung gian kiến thức đáng tin cậy để xây dựng các dự án PPP và tư vấn giao dịch…
“ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tài trợ thương mại thông qua chương trình tài trợ thương mại như cân nhắc đầu tư vốn chủ sở hữu tại các ngân hàng, các định chế tài chính phi ngân hàng, quỹ đầu tư vốn sở hữu tư nhân và các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác các cơ hội đầu tư trong kinh doanh nông nghiệp và tài trợ số”, ông Aaron Batten chia sẻ.
Đối với việc tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu, ADB sẽ hỗ trợ những cải cách trong công tác quản lý ngân sách và chi tiêu công của chính phủ.
Hoạt động hỗ trợ sẽ tập trung vào cải thiện công tác lập kế hoạch chi tiêu trung hạn, nâng cao chất lượng quản lý công sản và tăng cường năng lực giám sát quy trình ngân sách của Quốc hội.
Sự hỗ trợ này sẽ góp phần xây dựng nền móng tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu công. Các hoạt động này cũng tạo ra sự liên kết quan trọng với các chương trình hạ tầng của ADB.
Cải thiện tính đồng đều trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ
Để giảm thiểu rủi ro việc chuyển dịch cơ cấu làm gia tăng bất bình đẳng, ADB sẽ hỗ trợ tạo lập các cơ hội kinh tế đa dạng, mở rộng tiếp cận với các cơ hội này và các dịch vụ xã hội thiết yếu.
Chương trình này bao gồm hỗ trợ giáo dục phổ thông, xây dựng các quy trình đô thị hóa đồng đều hơn, thúc đẩy cung cấp dịch vụ bình đẳng cho mọi người.
Sự hỗ trợ này sẽ hướng vào các khu vực đang có số người nghèo, cận nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương như đồng bào thiểu số có tỉ lệ cao hơn các vùng khác.
Để hỗ trợ cho người dân sống trong điều kiện nghèo khó ở vùng ngoại vi đô thị, nhất là người lao động nhập cư, ADB sẽ dựa trên các chương trình nước sạch, vệ sinh hiện đang triển khai và dự án đô thị loại hai của ADB để thúc đẩy đô thị hóa toàn diện, bao trùm.
Lĩnh vực này bao gồm xây dựng một chương trình đô thị tương lai, kết hợp giữa quy hoạch đô thị thân thiện với môi trường và hoạch định chính sách với đầu tư vào hạ tầng đô thị để cân đối tốt hơn các mục tiêu môi trường và bình đẳng với mục tiêu cạnh tranh...
Ông Aaron Batten bổ sung thêm: “Song song với đó là tăng cường tiếp cận dịch vụ và cơ hội sinh kế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và nông thôn”.
Cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Để tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, ADB sẽ hỗ trợ quản lý tài nguyên hiệu quả, đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ hậu quả tiêu cực tiềm năng của biến đổi khí hậu, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thích ứng với các rủi ro khí hậu đang tăng lên như sử dụng tài nguyên bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.