ADB: Tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 4,8% nhưng vẫn cao nhất châu Á
Theo ADB, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 giảm mạnh do dịch bệnh song vẫn cao nhất châu Á và sẽ sớm phục hồi năm 2021 nhờ các nền tảng tốt...
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam là 4,8%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với lần công bố gần nhất. Mức này cũng thấp hơn dự báo được WB (4,9%) và Tổng cục Thống kê (hơn 5%) đưa ra trước đó.
GDP Việt Nam sẽ mất tới 2% so với dự báo trước đó
Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, dựa trên nền tảng nhu cầu nội địa cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19.
Báo cáo phân tích, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I giảm xuống mức 3,8% so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn lây lan virus SARS-CoV-2 dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất cho dù có những khó khăn trong thời gian đầu, chủ yếu dựa vào nguyên vật tồn kho, tuy nhiên nguồn nay cũng đang giảm dần. Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, do cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ, khu vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch, giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý I năm 2020, so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2019.
Tính đến thời điểm hiện nay, dịch vụ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch bùng phát. Với tỉ trọng 42% GDP, khu vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế. Tác động lớn nhất thông qua sự suy giảm của hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan, vốn chiếm đến 40% doanh thu của khu vực dịch vụ.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính rằng sự lây lan rộng khắp của đại dịch hiện nay sẽ khiến Việt Nam mất 23% lượng khách du lịch. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã giảm một nửa xuống còn 3,2% trong quý I của năm 2020 từ mức 6,5% của cùng kỳ năm 2019.
Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đầu tháng 3 năm 2020 Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP) bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nơ, giảm các loại lãi suất và phí.
Chính phủ cũng đưa ra hai gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD bao gồm giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời cũng giãn thời hạn nộp thuế và dự tính các hỗ trợ về mặt ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên.
Ngân hàng Nhà nước cũng cắt giảm các lãi suất chính sách từ 0,5 - 1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với những lĩnh vực ưu tiên.
Sẽ phục hồi mức 6,8% năm 2021
Mặc dù tăng trưởng kinh tế giảm sút bởi cung và cầu đều suy giảm, song ADB cho rằng, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Chính vì vậy, nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
“Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á,” giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết.
Những động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới là khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, năng động, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhanh.
Giải ngân đầu tư công được cải thiện đáng kể, tăng gần 18% trong giai đoạn tháng 1-2 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 vì đây là một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch COVID-19.
Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn tăng cường việc tiếp cận thị trường cho Việt nam, đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Việc Trung Quốc khống chế được COVID-19 và khả năng thị trường Trung Quốc có thể trở lại bình thường sẽ giúp hồi sinh chuỗi giá trị toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Việt Nam.
Thêm nữa, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của Việt Nam đã được mở rộng khi Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát được dịch và quay trở lại sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố kìm hãm sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Thứ nhất, tổng chi tiêu của cả nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cả khu vực công lẫn khu vực tư, chỉ bằng 0,53% GDP trong năm 2017, thấp hơn nhiều so với mức 1,44% GDP của Malaysia và 0,78% GDP của Thái Lan một năm trước đó, điều này cho thấy rõ ràng rằng Việt Nam cần phải đẩy mạnh chi tiêu cho R&D.
Thứ hai, các trường đại học ở Việt Nam có thứ bậc xếp hạng thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình cao ở Đông Nam Á cả về chất lượng và số lượng, được đo lường bằng tỷ lệ sinh viên nhập học thô. Đảm bảo sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ngày càng nhiều hơn và chất lượng cao hơn là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt được bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ.
Thứ ba, trong khi khu vực tài chính tăng trưởng ổn định và các công nghệ fintech sáng tạo đang được áp dụng, khung pháp lý hiện hành không theo kịp sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ fintech.
Do đó, một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng.