Ai đang là cổ đông chi phối tại Lothamilk?

Thanh Sơn

(Tài chính) Từ việc cho rằng Dofico sở hữu không hợp pháp 22% vốn điều lệ, bà Wang Jou Hsuan đã khiếu kiện nhiều nơi và có hành vi gây cản trở hoạt động tại công ty, ảnh hưởng đến thương hiệu sữa Lothamilk.

Sữa tươi Lothamilk đang được nhiều người tin dùng
Sữa tươi Lothamilk đang được nhiều người tin dùng

Công ty Cổ phần Lothamilk có vốn pháp định 1,96 triệu USD (trước là Công ty Liên doanh Bò sữa Đồng Nai) là một liên doanh do Công ty Great Water International Corporation Limited – Đài Loan đóng góp 70% vốn pháp định bằng tiền mặt và thiết bị do ông Wang Tai Shan đại diện và công ty Cổ phần Bò sữa Đồng Nai (trước đây là Xí nghiệp Bò sữa An Phước là công ty con của Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico) sở hữu 30% vốn pháp định góp bằng 48 ha đất với thời hạn 35 năm và đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép đầu tư số 01/GP-ĐN ngày 12/8/1997 thành lập doanh nghiệp Bò sữa Đồng Nai TNHH trụ sở đặt tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Năm 2008 thực hiện Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đang ký chuyển đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần Lothamilk Công ty cổ phần Bò sữa Đồng Nai chiếm 30% vốn điều lệ; Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai chiếm 22% vốn điều lệ, công ty Great Water International Corporation Limited – Đài Loan chiếm 48% vốn điều lệ.

Dofico được cho 22% vốn điều lệ?

Sau khi chuyển đổi, đăng ký lại hình thức hoạt động thành công ty cổ phần thương hiệu sữa tươi Lothamilk được nhiều người tiêu dùng biết đến, ngày càng phát triển mạnh mẽ đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Nhưng tháng 8/2011 ông Wang Tai Shan nghỉ hưu, Hội đồng quản trị Lothamilk bổ nhiệm con gái ông là bà Wang Jou Hsuan vào vị trí Tổng giám đốc nhưng bà đã không thực hiện đăng ký thay đổi người đại diện theo quy định của pháp luật. Cho rằng thỏa thuận giữa đại diện Công ty Great Water International Corporation Limited và Dofico để thành lập Lothamilk là chưa đúng quy định, Công ty Dofico chưa nộp tiền vào Lothamilk nên bà đã khởi kiện. Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 03/2012/QDĐC-KDTM đình chỉ giải quyết với lý do đã quá thời hiệu để khởi kiện. Không đồng tình với Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai bà Wang Jou Hsuan tiếp tục khởi kiện lên Tòa án nhân dân tối cao tại Tp. HCM xét xử phúc thẩm, Quyết định số 188/2012/QĐ-HĐTM-PT ngày 26/6/2012 giữ nguyên phán quyết của Tòa án sơ thẩm.
Việc chuyển nhượng 22% vốn điều lệ từ Công ty Great Water International Corporation Limited sang Dofico mà không phải thanh toán. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng theo ông Nguyễn Hữu Hiểu –  Trưởng Phòng kinh doanh liên kết, trợ lý Tổng giám đốc cho biết: “Nhận thấy kết nạp thêm thành viên là Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) các cổ đông sẽ được hưởng thêm nhiều lợi thế như kéo dài thời gian hoạt động của công ty từ 35 năm lên 50 năm, mở rộng thêm được ngành nghề kinh doanh như bất động sản... Hơn nữa công ty Dofico là công ty của Nhà nước và có tên tuổi, thương hiệu, có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, nên các nhà đầu tư bên phía Đài Loan sau một thời gian thương lượng kéo dài đã đồng ý chuyển nhượng không thanh toán 22% vốn điều lệ của Lothamilk cho Dofico”. Như vậy việc chuyển nhượng vốn điều lệ ở đây được tính toán thiệt hơn chứ hoàn toàn không phải là các nhà đầu tư Đài Loan “biếu” không cho Dofico.
Về việc Dofico nắm 52% vốn điều lệ của công ty Lothamilk bà Nguyễn Thị Lệ Hồng – Tổng giám đốc Dofico cho biết: “ Năm 2005 Xí nghiệp Bò sữa An Phước tiến hành cổ phần hóa, đổi tên thành công ty Cổ phần sữa Đồng Nai, trong đó Nhà nước nắm giữ 82,9% vốn điều lệ. Tháng 1/2006, UBND tỉnh Đồng Nai chuyển giao quyền đại diện Chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty Bò sữa Đồng Nai trở thành công ty con của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai chiếm 30% vốn điều lệ trong công ty Lothamilk, cộng với 22% vốn chuyển nhượng không thanh toán từ Công ty Great Water International Corporation Limited – Đài Loan thành ra Dofico nắm 52% vốn điều lệ”
Sau khi có quyết định của Tòa án các cấp bà Wang Jou Hsuan không chấp hành các quyết định mà còn gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi, ra nhiều quyết định sai trái như tự ý làm thay  Kế toán trưởng, cho Phó Tổng giám đốc bên phía Việt Nam và một số cán bộ của công ty (phó bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn…) nghỉ việc không có lý do chính đáng, mặc dù thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, thay thế kế toán trưởng, phó Tổng giám đốc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Bà Wang Jou Hsuan cũng đã có hành vi cản trở hoạt động của Hội đồng quản trị không báo cáo kết quả kinh doanh, không hợp tác với các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai. Đứng trước tình hình trên Dofico đã chỉ đạo người đại diện phần vốn tại Lothamilk tổ chức đại hội cổ đông thực hiện theo đúng điều lệ của công ty và pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông, trong đó có cổ đông của Nhà nước (Dofico là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước). Tại Đại hội cổ đông HĐQT đã thống nhất bãi miễn chức vụ giám đốc bà Wang Jou Hsuan và bổ nhiệm ông Nguyễn Tử Mục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tạm thời. Tổng giám đốc mới công ty Lothamilk cũng yêu cầu bà Wang Jou Hsuan bàn giao con dấu, hợp tác giữ vững và phát triển Lothamilk thành một thương hiệu uy tín trong ngành chế biến sữa Việt Nam. Tránh phải giải thể công ty. Bên cạnh đó bảo toàn và phát huy có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư tại công ty cổ phần Lothamilk, vốn góp của các cổ đông nước ngoài, đảm bảo cho nhiều hộ nông dân chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Tp.HCM yên tâm đầu tư sản xuất đóng góp nguồn thu ngân sách của Nhà nước.